Doanh nghiệp tiêu dùng đối mặt với “bài toán” khó
Bên cạnh những thách thức của thị trường, doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch. Khảo sát cho thấy, có đến 40% số người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm trong năm nay…
Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%).
Ngoài ra, Bộ Công thương cho biết tháng 2/2024 trùng với thời gian trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên thị trường hàng hóa sôi động hơn so với tháng thường. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng không cao như mọi năm và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
40% NGƯỜI TIÊU DÙNG SẼ CẮT GIẢM CHI PHÍ
Theo kết quả khảo sát về mức độ mua sắm của người tiêu dùng của Hội Doanh nghiệp Hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao, so với năm ngoái năm 2024 mức độ mua sắm có tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mức gia tăng không đáng kể.
Cụ thể, chỉ khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát ( khoảng 30%) cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít so với năm 2023, còn trên 40% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm, và 30% người tiêu dùng cho biết không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: “Có thể nói, thời gian trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường”.
Bên cạnh đó, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thực sự về chiều sâu, người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Xu hướng lựa chọn sản phẩm “xanh” và “sạch” thân thiện môi trường hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo kết quả khảo sát của Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao, có 69% người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; 45% chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu (có chứng nhận organic) có tỉ lệ người chọn mua là 25%.
Mặt khác, nhận định về thị trường bán lẻ hiện nay, bà Kim Hạnh cho biết sau đại dịch người tiêu dùng ngàng càng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường giảm mạnh. Đơn cử, “những con gà đẻ trứng vàng” ở ngành bán lẻ điện tử, công nghệ hiện nay đã không còn “đẻ trứng vàng” nữa.
“Dù vậy, những mặt hàng liên quan đến thực phẩm, đồ uống thiết yếu vẫn giữ được sức mua tương đối ổn định, đáng chú ý những mặt hàng liên quan đến hóa mỹ phẩm, chăm sóc da,… vẫn có mức tăng trưởng tương đối khá”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết thêm.
ÁP LỰC CẠNH TRANH SẼ CĂNG THẲNG
Bên cạnh những thử thách và sự thay đổi của thị trường tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức lớn từ sự cạnh tranh của các mặt hàng đến từ quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Theo bà Kim Hạnh, trong khi sức mua thấp, doanh nghiệp bán hàng kém thì các tổng kho lớn đã được xây dọc biên giới phía Bắc và hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lượng bán xuyên biên giới, phân phối rộng rãi vào thị trường Việt Nam.
“Lợi thế của họ là chất lượng ổn, giá rẻ, vận chuyển nhanh, mẫu mã đa dạng sẽ tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt trong giai đoạn khó khăn này. Cùng với đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang nhận đươc sự ưu đãi và hỗ trợ của chính phủ nước họ trong việc đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam”, bà Hạnh chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp, bà Hạnh cho rằng bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả.
Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng, đem đến bằng những sản phẩm mang “bản sắc” riêng của doanh nghiệp cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn tỷ dân.
“Thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng. Tiêu biểu như TikTok shop, được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới, với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng livestream...”, bà Vũ Kim Hạnh nhận định.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng kỳ vọng nhà nước sẽ quan tâm hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời buổi cạnh tranh ngày càng khóc liệt bằng những biện pháp như giảm bớt điều khoản, thủ tục rườm rà trong kinh doanh.
Trong xu thế đó, nhằm vinh danh những doanh nghiệp hoạt động tích cực, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố danh sách 529 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2024 do người tiêu dùng bình chọn.
Trong đó, có 32 đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 28 năm liên tiếp, cũng là 28 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức và 16 doanh nghiêp lần đầu được bình chọn.
Trong số các doanh nghiệp được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 phải kể đến những tên tuổi tiêu biểu đến từ nhiều ngành hàng như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Công cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nệm Vạn Thành, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn; Công ty cổ phần bánh kẹo Á Châu; Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty Cổ phần DH Foods; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam;…
Cùng với đó, Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2024 do người tiêu dùng bình chọn với chủ đề “Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao trước chặng đường phát triển mới” sẽ được diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, Dinh Độc Lâp, TP.HCM vào ngày 14/3 tới đây.