23:50 18/04/2010

Doanh nghiệp Việt thận trọng làm ăn với Hy Lạp

Y Nhung - Lã Linh

Dù cơ quan chức năng chưa khuyến cáo, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tỏ ra thận trọng với thị trường Hy Lạp

Phía trước di tích điện Parthenon ở thủ đô Athens, Hy Lạp - Ảnh: Getty.
Phía trước di tích điện Parthenon ở thủ đô Athens, Hy Lạp - Ảnh: Getty.
Trước tình hình nợ công cao tại Hy Lạp, mặc dù Chính phủ cũng như Bộ Công Thương chưa có khuyến cáo, nhưng bản thân các nhà xuất khẩu đều nhận thấy những rủi ro trong thanh toán nên rất cân nhắc.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: so với các nước trong EU, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hy Lạp còn rất nhỏ, chỉ vào khoảng 100 triệu USD/năm.  

Sản phẩm nhập khẩu của Hy Lạp từ Việt Nam hiện nay chủ yếu là hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ lưu niệm… Tuy nhiên, chỉ những hợp đồng nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam mới trực tiếp xuất khẩu sang quốc gia này. Còn đối với các đơn hàng lớn đều xuất khẩu qua Ý và Đức, do ở Hy Lạp doanh nghiệp chưa có những bạn hàng lớn và có quan hệ lâu dài.

“Các doanh nghiệp gặp “trục trặc” khi xuất khẩu vào nước này có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ý để nhờ can thiệp, do cơ quan này kiêm nhiệm luôn cả thị trường Hy Lạp”, ông Cường cho biết thêm.

Cũng theo ông Cường, nhìn chung, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong năm 2010 nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ khó khăn hiện nay của Hy Lạp.

Trong năm qua, khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU giảm 6,6% so với 2008, nhưng vẫn đạt trên ngưỡng 15 tỷ (ngưỡng kim ngạch Chính phủ giao vào 2010 theo đề án tổng thể phát triển quan hệ Việt Nam - EU).

Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của EU. Quốc gia này gia nhập khu vực đồng tiền chung Euro vào 2001. Đây là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, nhưng cũng được xem là một nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh nợ nần như hiện nay.