Đối thoại 2045: Xác định thế mạnh của Việt Nam trong 25 năm tới
Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, cần xác định những gì là thế mạnh của Việt Nam?
Chiều 6/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" tại Tp.HCM...
Tham dự "Đối thoại 2045" có khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành. Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, cần xác định những gì là thế mạnh của Việt Nam?
KỲ TÍCH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT TỪ SỰ ỦNG HỘ TRONG NƯỚC
Đại diện cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc VinGroup, cho rằng dự án sản xuất ô tô VinFast có thể coi là dấu mốc quan trọng để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
Với sự ủng hộ của người dân Việt Nam, chỉ sau vỏn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường, mặc dù là thương hiệu non trẻ nhưng ô tô Vinfast đã bán ra thị trường hơn 40.000 chiếc, tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019.
Chỉ với thời gian ngắn Vinfast nhanh chóng đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lượng đạt tiêu chuẫn quốc tế và đã đạt doanh số tốt như vậy là những "kỳ tích".
"Kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần trước đây, cần sự động viên, khuyến khích, ủng hộ của Nhà nước, của xã hội, của người dân Việt Nam", ông Huệ nói.
PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Cũng là doanh nghiệp ô tô lớn đứng đầu các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu, Tập đoàn THACO của ông Trần Bá Dương đến nay cũng đã xuất khẩu được 1200 xe ô tô và 20 triệu USD linh kiện phụ tùng. Công ty này cũng đang tăng cường tỷ lệ nội địa hoá và đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 10% - 20%; phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số. Dự kiến năm 2021, tập đoàn xuất khẩu 2500 xe ô tô và 30 triệu USD linh kiện phụ tùng.
Ông Dương cho rằng doanh nghiệp gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm. Do đó, điều mà ông Dương quan tâm là cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như đại học Bách khoa Tp.HCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.
SỐ HOÁ SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN XANH
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan, cuộc chơi thương mại toàn cầu đang là sự cạnh tranh năng lực của chuỗi cung ứng trong sản xuất.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng đứng thứ 2 như cà phê, gạo đứng thứ 3…, nhưng vẫn có tình trạng được mùa giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm. Bên cạnh đó, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại khi chi phí lưu thông hàng hoá đang chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nếu giảm thiểu chi phí này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Vấn đề nữa là phải áp dụng công nghệ tiến tiến trong sản xuất và phải gắn với phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Do đó, rất cần định hướng của Chính phủ để tạo động lực phát triển đúng, chẳng hạn, chi ngân sách vào phát triển xe điện...
Đồng quan điểm về một nền kinh tế phát triển xanh, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk, nền tảng con người phải có trí tuệ và sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người. Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân.
Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam, để cùng đất nước phát triển trong thời gian tới, cần hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca. Nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca khi nguồn lực phát triển loại cây này còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha.
Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD. Xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam.
"CHÚNG TÔI MONG CHÍNH PHỦ TIN TƯỞNG Ở KINH TẾ TƯ NHÂN, Ở DOANH NGHIỆP"
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI, cho biết tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra các mục tiêu cụ thể, trong đó, đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao (GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD - theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc).
Năm 2020, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt 343 tỷ USD, nằm trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN.
"Nếu năm 2025, GDP bình quân đầu người là 4.700 – 5.000 USD, năm 2030 là 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6,5%; giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5,5 – 6%. Và theo tính toán của chúng tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2 – 6,5% trong năm 2030 – 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16.500 USD", ông Phú nói.
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê thì dân số của Việt Nam 2045 vào khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.
Để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, cần sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.
Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực, là một trong 3 trụ cột của cả nền kinh tế cùng với KTNN, kinh tế tập thể, đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, đã tạo ra 85% việc làm. Dự báo đến năm 2030, KTTN sẽ chiếm 60% GDP. Cần cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5% đến 13%/năm như một số nước đã từng đạt được không hay là với chúng ta 8%/năm là tuyệt vời lắm rồi. Cộng đồng DN phải làm gì để chia sẻ khát vọng đó. Khát vọng không phải trên giấy mà phải có những phát minh, sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, để Việt Nam tận dụng tốt cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bày tỏ về vai trò của doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank nói: "Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp".
Bà Thảo kiến nghị, cần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, Tp.HCM.
CHUYỂN TỪ TƯ DUY QUẢN LÝ SANG PHỤC VỤ
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao. Theo ông Đỗ Minh Phú, cần "chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ".
Cụ thể, các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ", lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp tư nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tri thức hóa đội ngũ doanh nhân, thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ.
Chủ tịch TPBank cũng kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số. Cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế sandbox thực hiện càng nhanh càng tốt.
Theo phân tích của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.
Ông Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045.