18:50 02/10/2021

Đối thoại chuyên đề: “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Đối thoại chuyên đề: “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” sẽ được phát trên nền tảng VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy vào 9h sáng thứ Hai, ngày 4/10/2021...

Đối thoại chuyên đề: “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” - Ảnh 1

Cuộc khủng hoảng nợ ở tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu bất an trong thời gian gần đây. Cho tới thời điểm hiện tại, “quả bom nợ” này vẫn chưa được tháo ngòi và số phận của Evergrande vẫn như một “đám mây đen” lơ lửng trên thị trường tài chính.

Được thành lập vào năm 1996 ở Quảng Châu, Trung Quốc, Evergrande lúc đầu là một doanh nghiệp bất động sản địa phương làm các dự án chung cư. Mô hình kinh doanh là mua đất từ chính quyền, bán căn hộ trả góp theo tiến độ, vốn lưu động chủ yếu từ các khoản vay.

Giai đoạn 2000-2008 là giai đoạn kinh tế Trung Quốc bùng nổ, đây cũng là cơ hội có một không hai cho các tập đoàn bất động sản, nổi bật nhất là Evergrande.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản ước tính của Evergrande là 368 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc. Trong đó, Evergrande có tổng 1.300 dự án ở 280 thành phố, hơn 200 công ty con ở nước ngoài và khoảng 2.000 chi nhánh ở trong nước. Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên và số việc làm tạo ra mỗi năm lên tới 3,8 triệu công việc.

Cũng tính tới tháng 6/2021, Evergrande có quỹ đất đạt 214 triệu m2 (với giá gốc khoảng 70,8 tỷ USD, trong đó 2/3 trong số này đang ở các thành phố loại 1 và loại 2. Bên cạnh đó, số căn hộ do Evergrande đang xây dựng là 1,4 triệu căn thuộc 778 dự án, trải khắp hơn 223 thành phố.

Không chỉ tập trung vào bất động sản, Evergrande còn mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, như: Truyền thông, Công viên giải trí, Thực phẩm, CLB Bóng đá, Xe điện…

Tuy nhiên, khi nhu cầu mua nhà sụt giảm do Covid-19 và Chính phủ Trung Quốc hạn chế đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp bất động sản, Evergrande không thể tiếp cận các khoản vay thêm và rơi vào mất thanh khoản.

Đối thoại chuyên đề: “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” - Ảnh 2

Tính đến đầu tháng 10/2021, giá cổ phiếu của Evergrande chỉ còn chưa đầy 3 Đôla Hồng Kông giảm gần 80% nếu so với thời điểm đầu năm. Giá trái phiếu USD của công ty cũng giảm còn khoảng 0,3 USD trên mỗi 1 USD mệnh giá.

Cuối tháng 9, Evergrande có hai đợt phải thanh toán tiền lãi đáo hạn của hai lô trái phiếu USD phát hành ở nước ngoài. Tổng trị giá của hai khoản tiền lãi vào khoảng 130 triệu USD. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào về việc công ty đã hoàn tất nghĩa vụ nợ này hay chưa. Chỉ cần không thanh toán được một trong hai khoản lãi này trong thời gian ân hạn 30 ngày, Evergrande sẽ bị coi là vỡ nợ về mặt kỹ thuật.

Trước tình trạng trên, Chính phủ Trung Quốc chưa có động thái can thiệp trực tiếp nào, nhưng Ngân hàng Trung ương nước này đã liên tục bơm thanh khoản, lên tới hơn 100 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây nhằm trấn an thị trường.

Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là nếu Bắc Kinh có một giải pháp nào đó cho Evergrande, thì lợi ích của những chủ nợ nào sẽ được đảm bảo, những chủ nợ nào sẽ phải gánh phần thiệt hại?

Nhiều chuyên gia cho rằng Evergrande sẽ trải qua một cuộc tái cơ cấu, trong đó công ty này sẽ bán bớt tài sản để trả nợ, rồi thu hẹp quy mô. Từ “Hổ” thành “Mèo”.

Đối thoại chuyên đề: “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” - Ảnh 3
Với mục đích đưa ra một bức tranh tổng quan về khủng hoảng nợ Evergrande, từ nguyên nhân hình thành “bom nợ”, tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu đến những bài học có thể rút ra cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức buổi đối thoại chuyên đề “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” vào 9h sáng thứ Hai, ngày 4/10/2021.
Đối thoại sẽ bao gồm ba nội dung chính:

- Thứ nhất, tổng hợp và phân tích về con đường đưa Evergrande tới khủng hoảng nợ và hướng xử lý của Chính phủ Trung Quốc.

- Thứ hai, nhận định về tác động của khủng hoảng nợ Evergrande đối với thị trường tài chính toàn cầu.

- Thứ ba, bài học cho Việt Nam.

Tham gia buổi đối thoại sẽ có hai vị chuyên gia:
- Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Tiến sỹ Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM và Trường Kinh doanh IPAG ở Paris, thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE).
- Nhà báo Kiều Oanh, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, điều hành buổi đối thoại.

Nội dung của đối thoại chuyên đề sẽ được phát trên nền tảng VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy vào 9h sáng thứ Hai, ngày 4/10/2021.

Ngoài ra, toàn bộ nội dung đối thoại cũng được thể hiện trên chuyên mục Tiêu điểm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 65 phát hành ngày 4/10/2021 và cập nhật trên VnEconomy.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!