Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 10-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 10 phát hành ngày 07-03-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Chỉ trong vòng hơn một tuần kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, các biện pháp trừng phạt cấp tập mà phương Tây triển khai đối với Moscow đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo và kinh tế thế giới cũng “vạ lây”. Áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ cùng với đà leo thang của giá hàng hoá cơ bản, đặc biệt là dầu thô, đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó giữa lúc đà phục hồi kinh tế có chiều hướng chững lại.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với quy mô 1.500 tỷ USD, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Trước khi căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine bùng nổ thành xung đột vũ trang, Nga xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày, các công ty nước ngoài xem thị trường Nga như “mỏ vàng”, và các nhà đầu tư hào hứng rót vốn vào các công ty Nga.
Tất cả đã thay đổi chỉ trong vòng một tuần ngắn ngủi. Loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga đang khiến dòng chảy dầu thô từ nước này ra thị trường toàn cầu bị gián đoạn; các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Nga; thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa sau những phiên “lao dốc không phanh”; trái phiếu Nga bị đánh tụt điểm tín nhiệm xuống ngưỡng “rác” (junk bond – trái phiếu không được khuyến nghị đầu tư); đồng rúp Nga rớt giá xuống mức thấp kỷ lục; cổ phiếu Nga bị loại khỏi các chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI và FTSE; các hãng vận tải biển lớn tuyên bố tạm dừng chở các chuyến hàng không thiết yếu ra, vào Nga…
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 07/3/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10/2022 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: “Dư chấn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine” để phản ánh những diễn biến mới nhất của câu chuyện này cũng như những tác động mà kinh tế thế giới đang phải gánh chịu.
Các bài viết bao gồm:
- Kinh tế thế giới “vạ lây”bởi khủng hoảng Nga – Ukraine. Một mối lo lớn của giới đầu tư toàn cầu vào lúc này là nguy cơ xuất hiện “stagflation” - tình trạng khi lạm phát leo thang kết hợp với sản lượng kinh tế trì trệ, khiến các nền kinh “sa lầy” và thị trường việc làm giảm sút. Nỗi lo này đã khiến cổ phiếu bị bán tháo ở nhiều thị trường trong những ngày qua. (Kiều Oanh).
- Các bài học năng lượng từ xung đột Nga – Ukraine. Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã gây đảo lộn nghiêm trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu, với nỗi lo gián đoạn nguồn cung đẩy giá dầu thô và khí đốt tăng chóng mặt. Từ khủng hoảng này, thế giới có thể rút ra một số bài học quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. (An Huy).
- Công nghiệp vũ trụ Nga chao đảo vì các lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang đặt ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Nga. Ngoài rủi ro thiệt hại tài chính, tương lai của các thoả thuận hợp tác vũ trụ giữa Nga với Mỹ và các đối tác châu Âu cũng trở nên bất định hơn bao giờ hết. (Trần Lan Phương).
- Xung đột Nga – Ukraina: Ngành nông nghiệp Việt “vạ lây”. Xung đột Nga – Ukraina sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam ở nhiều góc cạnh. Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT, cùng với nguy cơ mất giá của đồng tiền Rúp Nga sẽ khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo dự báo, thời gian tới, với những biến động của giá xăng dầu, chi phí vận chuyển tăng cao sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp. (Chu Khôi).
Và các bài viết cho chuyên đề: “Doanh nhân nữ vượt thách thức” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3:
- Hơn 2 tỷ phụ nữ trên toàn cầu: Mất cơ hội kinh tế bình đẳng. Khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động không có cơ hội kinh tế bình đẳng. Hiện có tới 178 quốc gia, vùng lãnh thổ đang duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế. (Tuấn Dũng).
- Phụ nữ cần chủ động tiếp cận pháp lý. Với mỗi phong cách quản lý khác nhau, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ có những cách thức vận hành và đối mặt với những rủi ro, thách thức pháp lý khác nhau. Để phòng tránh những rắc rối này, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận pháp lý, tư vấn, hỗ trợ từ các luật sư. P/v bà Đoàn Thu Nga, CEO Công ty Luật LAWPRO. (Khánh Vy).
-Sức mạnh “mềm” của doanh nhân nữ trong nền kinh tế. Trong những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Có được thành công này phải kể đến vai trò của doanh nhân nữ, một trong những nhân tố đóng góp quan trọng, thiết thực. (Vũ Khuê).
- Phụ nữ Việt vượt “muôn trùng thách thức” để khởi nghiệp. Đại dịch Covid-19 cùng với những rào cản và định kiến sẵn có khiến nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ hay các nhà sáng lập nữ phải đối diện với không ít thách thức. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang khích lệ thêm nhiều phụ nữ Việt theo đuổi đam mê và dấn thân vào con đường startup. (Thu Hoàng).
Cùng nhiều bài viết hấp dẫn khác:
- Lạm phát đã “gõ cửa” nền kinh tế. Trong hai tháng đầu năm nay, nền kinh tế nước ta đã cảm nhận rất rõ “sức nóng” từ áp lực lạm phát cao, khi giá xăng dầu, qua 4 lần điều chỉnh, chỉ tăng, không giảm, mà mức tăng bình quân đã cao hơn 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, đẩy giá cả hàng loạt hàng hóa và dịch vụ, nhất là dịch vụ giao thông vận tải, tăng lên, đồng thời tạo cớ cho nhiều thương nhân “té nước theo mưa”, khiến giá thị trường nhiều lúc “sốt xình xịch”. (Nguyễn Quốc Uy).
- Chung sống với “bệnh đặc hữu Covid -19” để phục hồi kinh tế. Tháng 3 là khoảng thời gian rất đẹp của năm, “tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước”… Nhưng tháng 3 năm nay và những tháng cùng kỳ năm 2020, 2021 có nhiều khó khăn đã bủa vây Việt Nam. (Việt Hoàng).
- Công nghiệp đã “vào đà” chờ “bứt tốc”. Tiếp đà tăng từ đầu năm, bước sang tháng hai, sản xuất công nghiệp cho thấy sự khởi sắc rõ nét hơn, khi tốc độ tăng trưởng cao và nhanh hơn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được duy trì. Dẫu vậy, để có thể “bứt tốc” trong những tháng tới, ngành công nghiệp cần phải vượt qua không ít khó khăn, đó là diễn biến của dịch bệnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, nguy cơ thiếu hụt lao động. (Nguyễn Mạnh).
- Thu hút vốn FDI sẽ khởi sắc. Loạt văn kiện hợp tác quan trọng trị giá hàng tỷ USD vừa được ký kết cùng các cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. (Anh Nhi).
- Xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng. Hoạt động xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng. Đáng chú ý, trong tháng 2 dù có số ngày làm việc ít hơn tháng 1 do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song vẫn có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD. Đây là tiền đề quan trọng để xuất khẩu tăng tốc những tháng tới. (Huyền Vy).
- Giá xăng dầu và thực phẩm đẩy CPI tháng 2 tăng. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục, hoạt động thương mại, dịch vụ đang phục hồi tích cực. Do tháng Hai trùng với Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước. (Vũ Khuê).
- Phấp phỏng biến động tỷ giá năm 2022. Cuối năm 2021, tỷ giá USD/VND ghi nhận đợt tăng giảm thất thường với biên độ lớn. Giới chuyên môn cho rằng, đây là dự báo trước cho một năm 2022 đầy vất vả của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tỷ giá. (Đào Vũ).
- Giá xăng dầu leo thang, doanh nghiệp vận tải chật vật xoay xở. Giá xăng dầu liên tục leo thang, phá kỷ lục trong vòng 8 năm qua và có thể tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới khiến các doanh nghiệp vận tải bị khó khăn bủa vây do chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại lao đao tìm cách xoay xở duy trì hoạt động của doanh nghiệp. (Ánh Tuyết).
-Doanh nghiệp “ôm” đất để “treo”: Không thể xử lý hành chính. Hàng loạt các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về sử dụng đất ở các địa phương trên cả nước đã được “bêu tên” công khai. Đây được coi là cảnh báo cho các doanh nghiệp vi phạm và phải có biện pháp khắc phục, đưa đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả hơn; đồng thời ngăn chặn những doanh nghiệp không có năng lực triển khai, “ôm” đất để dự án “treo”. (Đỗ Phong).
- Kinh doanh massage, karaoke: Bao giờ hết “ngắc ngoải”?.Từ khi dịch Covid -19 càn quét, karaoke, massage chính là những dịch vụ bị cấm ngặt nghèo nhất. Chủ những cơ sở này chỉ biết than thở : “Chúng tôi chấp hành pháp luật, đóng thuế đầy đủ, nhưng vẫn bị đóng cửa vô thời hạn dù chẳng có ai kết luận, karaoke lây nhiễm nhiều hơn quán cafe, nhà hàng, rạp chiếu phim… Nhưng cấm cứ cấm, còn thiệt hại thì doanh nghiệp phải è cổ gánh chịu”. (Song Hoàng).
- Tiêu dùng số, thanh toán số vào “bệ phóng”. Số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Cùng với sự thay đổi trong xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin, mua sắm hàng hóa sản phẩm, dịch vụ, các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng dần lên ngôi, được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống xã hội. (Nhĩ Anh).
- Thiết bị thông minh “định hình” lại gian bếp. Công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu, hiện diện trong từng khía cạnh của cuộc sống. Ngày nay, sự ra đời của thiết bị gia dụng thông minh còn được cho là sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn. (Tường Bách).