Dòng tiền “né” blue-chips, loạt cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng mạnh
Diễn biến yếu ớt của các cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu đang ảnh hưởng mạnh đến VN-Index, nhưng phần còn lại của thị trường vẫn tiến triển tốt. Đây là tình thế ngược so với các tuần trước, khi chỉ số được các trụ “lầm lũi” kéo lên nhưng nhà đầu tư không được hưởng lợi nhiều vì đa số cổ phiếu bị bỏ lại phía sau...

Diễn biến yếu ớt của các cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu đang ảnh hưởng mạnh đến VN-Index, nhưng phần còn lại của thị trường vẫn tiến triển tốt. Đây là tình thế ngược so với các tuần trước, khi chỉ số được các trụ “lầm lũi” kéo lên nhưng nhà đầu tư không được hưởng lợi nhiều vì đa số cổ phiếu bị bỏ lại phía sau.
Sáng nay, ngay cả khi VN-Index giảm sâu nhất lúc 9h43, mất gần 3 điểm thì độ rộng vẫn tốt với 145 mã tăng/100 mã giảm. Rổ VN30 lúc tệ nhất thậm chí chỉ có 4 mã tăng/23 mã giảm. Điều đó cho thấy dòng tiền đang tách rời ảnh hưởng của chỉ số và tập trung vào các cổ phiếu vừa tới nhỏ.
Thực vậy, thanh khoản sàn HoSE sáng nay tăng nhẹ 1,1% so với sáng hôm qua như giao dịch trong rổ VN30 lại giảm hơn 10%. Thị phần của rổ blue-chips này tụt xuống còn 41,1% tổng giá trị khớp của sàn, trong khi sáng hôm qua chiếm 46,3%. Về mặt tuyệt đối, thanh khoản HoSE tăng 130,4 tỷ đồng thì VN30 giảm 543,6 tỷ đồng. Như vậy khoảng 674 tỷ đồng thanh khoản đã gia tăng ở các cổ phiếu còn lại.
Toàn sàn HoSE đang có 37 cổ phiếu đạt giao dịch vượt 100 tỷ đồng thì nhóm VN30 đóng góp 16 mã. Rổ Midcap chiếm 49,7% tổng thanh khoản sàn này, rổ Smallcap chiếm khoảng 10,7%. Đây đều là các tỷ trọng vượt trội trong khoảng 3 tuần trở lại đây.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, có 5 mã tăng và 4 mã giảm. Hai trụ lớn nhất thì VCB giảm 0,18%, VIC giảm 1,06%. VHM may mắn xanh nhẹ 0,14% trong vài phút giao dịch cuối cùng. CTG giảm 0,25%, VPL giảm 2,44%. Phía tăng có TCB tăng 1,98%, FPT tăng 1,79% rất tích cực.
Về tổng thể sức mạnh của nhóm blue-chips là không rõ rệt. Ngoài TCH và FPT, top 10 cổ phiếu kéo điểm của VN-Index chỉ còn 4 mã khác thuộc rổ VN30 là GVR tăng 1,56%, GAS tăng 1,11%, VIB tăng 2,47% và HPG tăng 0,78%. Nhóm còn lại thuộc về các mã tầm trung rất mạnh là HVN tăng 4,28%, GMD tăng 6,82%, GEE tăng 4,08%, REE tăng 2,36%...

Chỉ số Midcap đang tăng 1,28%, Smallcap tăng 1,08% cũng mạnh hơn đáng kể so với VN30-Index tăng 0,28%. Rổ VN30 dù có 16 mã tăng/10 mã giảm nhưng chỉ có 5 mã tăng được hơn 1%. Trong khi đó toàn sàn HoSE có tới 113 mã tăng hơn 1%.
Loạt cổ phiếu tầm trung đang thu hút dòng tiền nổi bật với giá tăng tốt có thể kể tới VND tăng 2,54% khớp 443 tỷ đồng; VIX tăng 1,79% với 357,4 tỷ; GMD tăng 6,82% với 257,8 tỷ; VSC tăng 6,7% với 235,3 tỷ; EVF tăng 2,83% với 208,3 tỷ; GEX tăng 1,42% với 208,2 tỷ. Nhóm giao dịch quanh 100 tỷ đồng với giá trên 2% có DIG, HHV, HAH, TCM, FTS, CTD.
Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng ghi nhận 210 mã tăng/92 mã giảm, phản ánh sức mạnh tập trung chủ yếu ở nhóm ngoài blue-chips. Điều này có bất lợi là VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong vùng đỉnh cũ quanh 1340 điểm. Mặt tích cực là dòng tiền đang được kích thích vận động mạnh ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, vốn là nhóm được đa số nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ưa chuộng và nắm giữ nhiều. Tình thế này giúp danh mục của nhà đầu tư cải thiện, thúc đẩy tâm lý hào hứng hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài đang ghi nhận mức bán ròng đột biến 800 tỷ đồng trên sàn HoSE, cao nhất trong 30 phiên sáng trở lại đây. Mặc dù quy mô mua vào đã tăng 19% so với sáng hôm qua nhưng phía bán ra lại tăng tới trên 49%. Khoảng 1.923 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được xả ra, là mức cao nhất kể từ phiên sáng ngày 14/4 vừa qua (bán gần 2.169 tỷ đồng).
Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều là VIX -106,4 tỷ, VIC -82,9 tỷ, VHM -65,1 tỷ, HPG -60 tỷ, VCB -52,9 tỷ, DXG -50,5 tỷ, STB -50 tỷ, NVL -46,9 tỷ, VND -42,6 tỷ, SHB -32,3 tỷ. Phía mua ròng có FPT +91,4 tỷ, GMD +70,2 tỷ, CTD +28,9 tỷ.