Dòng vốn tiếp tục rút ròng khỏi các ETF tại Việt Nam
Tại Việt Nam, dòng vốn ETF bị rút ròng mạnh chủ yếu đến từ quỹ FUEVFVND...
Tuần qua, thị trường chứng khoán Đài Loan dẫn đầu chiều hút ròng khi được các nhà đầu tư ngoại đảo chiều bơm ròng hơn 1,3 tỷ USD sau 3 tuần rút ròng mạnh liên tiếp. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc bị rút ròng 501 triệu USD; cùng với xu hướng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại rút ròng 61,4 triệu USD, thống kê từ Yuanta.
Dòng tiền vào các quỹ ETF tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục bị rút ròng thêm 21.6 triệu USD. Trong đó, Indonesia bị rút ròng 14.9 triệu USD – dẫn đầu chiều rút ròng, theo sau là Việt Nam bị rút ròng 9.8 triệu USD. Tại Việt Nam, dòng vốn ETF bị rút ròng mạnh chủ yếu đến từ quỹ FUEVFVND (-10.7 triệu USD).
Lực cầu trên các quỹ ETF của Việt Nam đã bắt đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2021-2023. Trong Q3/23, Việt Nam tiếp tục trải qua áp lực rút vốn, ghi nhận ở mức 196 triệu USD, mức cao nhất trong giai đoạn 2020-2023, dữ liệu thống kê từ chứng khoán KIS. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia bị rút vốn nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, tiếp theo là Singapore (18 triệu USD), Indonesia (12 triệu USD) và Philippines (9 triệu USD). Thái Lan và Malaysia cũng bị rút vốn nhưng áp lực thấp
60% tổng số quỹ ETF của Việt Nam bị rút vốn, 30% ghi nhận hoạt động rút vốn cao nhất trong năm. Phân tích theo từng Quỹ ETF, Việt Nam đã ghi nhận quý thứ hai liên tiếp bị rút vốn kể từ quý 1/2022. Đặc biệt, áp lực rút vốn lớn xuất hiện Fubon FTSE Vietnam (85 triệu USD) và VFMVN Diamond ETF (73,4
triệu USD). VFMVN30 ETF cũng ghi nhận quý thứ hai liên tiếp bị bán ròng với áp lực rút vốn đạt mức cao trong năm (37 triệu USD). Ngược lại, VanEck Vietnam thu hút dòng vốn, đạt 14 triệu USD, một phần nào đó làm hạ nhiệt áplực rút vốn tại Việt Nam.
Về hoạt động riêng của nhà đầu tư nước ngoài, trong Q3/23, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong năm. Giá trị mua tăng, cao hơn 22% so với mức trung bình từ đầu năm đến nay. Giá trị bán cũng được cải thiện, cao hơn 31% so với mức trung bình từ đầu năm đến nay. Giá trị bán ròng vẫn ở mức thấp và không có sự thay đổi đột biến, ghi nhận ở mức 9 nghìn tỷ đồng. Khối này bán ròng trong Q3/23 trong khi mua ròng trong quý 3/2022.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch từ các nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên tích cực hơn. Trong Q3/23, áp lực bán chủ yếu lan rộng trên lĩnh vực Tài chính, Năng lượng và Nguyên vật liệu trong khi Tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp được mua nhiều nhất.
Dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam chủ yếu do đồng USD manhh lên. Động thái bán ròng mạnh của khối ngoại tại vùng 1200-1250 điểm đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và góp phần khiến VnIndex đảo chiều giảm điểm. Khối ngoại bắt đầu bán mạnh khi VnIndex vượt vùng 1150 điểm, tương ứng với P/E thị trường bắt đầu vượt vùng 13x.
Chứng khoán VCBS kỳ vọng áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt, thậm chí dòng vốn ngoại chủ động với tầm nhìn dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân trở lại khi Vn-Index giảm về vùng định giá hấp dẫn trong quý IV.