21:55 14/06/2021

Dự án giúp chuyển đổi toàn diện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang mắc cạn vì dịch Covid

Nhĩ Anh

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch các tiểu dự án thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (WB9)…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan  này đang phụ trách 4 tiểu dự án quan trọng thuộc Dự án WB9.

Thứ  nhất, đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại Đồng bằng sông Cửu Long;

Thứ hai, nâng cấp, xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu;

Thứ ba, xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám;

Thứ tư, đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. 

 
Dự án WB9 sẽ góp phần chuyển đổi toàn diện vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững, tăng cường công cụ hỗ trợ người dân địa phương chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP đã đề ra.

Mặc dù tiến độ thực hiện các dự án bị ảnh hưởng bởi  dịch Covid-19, nhưng các đơn vị liên quan vẫn cam kết nỗ lực hoàn thành tiểu dự án 1, 2, 3 theo đúng tiến độ vào tháng 12/2022. Riêng đối với tiểu dự án 4, khó khăn vẫn còn nhiều trong triển khai do Việt Nam chưa có một mô hình trung tâm vùng để có thể tham khảo và ngành công nghệ thông tin đã phát triển rất nhanh so với thời gian đầu khi lập dự án. Vì vậy, khả năng hoàn thành theo đúng tiến độ là khó khả thi.

Với tiểu dự án 4, theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, hợp phần này là dự án lõi quan trọng và cung cấp dữ liệu cho Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như thu thập, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu hiệu quả từ các dự án, nghiên cứu khác. Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nỗ lực, tập trung lồng ghép đẩy nhanh phê duyệt các hợp phần để đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả của dự án.

Trước những khó khăn, vướng mắc đối với tiến độ các tiểu dự án trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã cùng các đơn vị thảo luận các giải pháp tháo gỡ. Với tiểu dự án 3, hiện nay Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19  đã có chủ trương cho các chuyên gia nước ngoài đã tiêm phòng vaccine Covid-19 sang Việt Nam và rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 21 ngày xuống 1 tuần. Ông Kiên đề nghị Ban Quản lý dự án thông tin đến các chuyên gia Airbus nắm được thông tin, có kế hoạch đặt chuyến bay sang Việt Nam để chuyển giao lắp đặt thiết bị, nghiệm thu dự án đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Với những khó khăn của tiểu dự án 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Quản lý phối hợp Bộ Xây dựng để thẩm định, sớm phê duyệt thiết kế cơ sở hạng mục thiết kế xây dựng công trình, đồng thời sớm trình kế hoạch đề xuất phân chia các gói thầu, thời gian triển khai các gói thầu.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường đảm bảo cơ sở dữ liệu được xây dựng toàn diện, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn và được kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương và người dân góp phần phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đây là dự án thí điểm và là mô hình mẫu có thể nhân rộng ra các khu vực khác.