16:57 23/05/2022

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ kéo dài, mặt đường bị "băm nát", Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải vừa trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ kéo dài, đồng thời, gây xuống cấp nghiêm trọng mặt đường bộ, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông...

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 4950/BGTVT-QLXD trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai liên quan đến tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến việc dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và trách nhiệm các bên liên quan.

Đồng thời, Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng chất vấn về việc thi công dự án làm mặt đường bộ bị xuống cấp nghiêm trọng, do tuyến đường từ Nhổn đến Cầu Giấy (gồm đường Hồ Tùng Mậu, đường Xuân Thủy, đường Cầu Giấy) là tuyến đường song song với tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. 

"Mặt đường bị băm bổ, nhiều ổ gà, rãnh sụt lún, nắp cống nơi cao, nơi lún sâu…, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là đoạn từ Cầu Diễn đến Cầu Giấy", đại biểu tỉnh Đồng Nai chỉ rõ thực tế, đồng thời, đề nghị nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thiện lại mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường nói trên.

Hồi đáp ý kiến đại biểu tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

 

Dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay, khối lượng thi công của các nhà thầu mới chỉ đạt 74,36% theo khối lượng hợp đồng xây dựng. Trong đó, đoạn tuyến trên cao đạt được 95,1%; còn đoạn tuyến đi ngầm mới chỉ đạt khoảng 33%.

Những nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ dự án và việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan được UBND TP. Hà Nội báo cáo, giải trình làm rõ trong văn bản số 1146/UBND-ĐT ngày 19/4/2022.

Hiện công trường 4km đoạn ngầm và ga ngầm dự án cũng ngừng thi công hơn 10 tháng nay do khi đào thăm dò ngầm phát sinh các công trình bị ảnh hưởng.

Vì vậy, cần bố trí tạm cư hoặc phá dỡ công trình, dẫn đến phát sinh đối tượng cần giải phóng mặt bằng, đang được TP. Hà Nội giải quyết, song đến nay vẫn chậm trễ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng thuận với phản ánh của Đại biểu Nguyễn Công Long về ảnh hưởng của việc thi công dự án đường sắt trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội làm mặt đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu bị hư hỏng, tiềm ẩn mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Bộ Giao thông vận tải cho biết có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát khắc phục ngay tình trạng hư hỏng mặt đường, bổ sung hệ thống rào chắn, biển cảnh báo, tập trung công tác điều tiết, chỉ dẫn giao thông vệ sinh môi trường… nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Năm 2021, UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội).

Hiện nay, "UBND TP. Hà Nội đang tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện dự án để sửa chữa, hoàn thiện lại mặt đường đoạn tuyến nêu trên, đảm bảo an toàn, êm thuận cho người và phương tiện tham gia giao thông”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Trước đó, như VnEconomy đưa tin, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND TP. Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.

Theo đó, MRB đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029. Trong đó, khai thác đoạn trên cao dài 8,5km trong năm 2022, khai thác toàn tuyến 12,5km vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Do chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn ngày hoàn thành dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đội vốn thêm khoảng 4.905 tỷ đồng, tương đương 202,81 triệu euro, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.

Lý giải về lý do đội vốn, MRB cho biết, do biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền Việt Nam) khi thanh toán khối lượng thực hiện; điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành; chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được khi dự án lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam...