Du lịch Nhật Bản ráo riết chuẩn bị cho cao điểm mùa thu
Lượng du khách nước ngoài đến với đảo quốc này đã phục hồi tới 86% so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, số công dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài cũng đã tăng gấp hơn 3 lần trong tháng 8/2023 so với thời điểm một năm trước đó…
Thông báo từ Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam hôm 26/9 cho thấy lượng khách Việt đến Nhật Bản trong tháng 8 đạt 50.900 lượt, tăng 16,5% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 54% so cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm, 397.000 lượt khách Việt đến Nhật, tăng 17,4% so với thời điểm trước dịch, đứng thứ 7 trong top các thị trường gửi khách đến Nhật nhiều nhất.
Sáu thị trường hàng đầu có khách quốc tế đến Nhật 8 tháng đầu năm nay gồm Hàn Quốc (4,3 triệu lượt), Đài Loan (gần 2,6 triệu), Mỹ (1,3 triệu), Trung Quốc đại lục (gần 1,3 triệu), Hong Kong (gần 1,3 triệu), Thái Lan (580.000). Trong 7 thị trường khách top đầu, Việt Nam và Mỹ là hai thị trường tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019. 5 thị trường còn lại đều tăng trưởng âm. "Việt Nam là một trong những thị trường đạt tỷ lệ hồi phục, tăng trưởng lượng khách đến Nhật cao nhất thế giới", JNTO nhận xét.
Ông Yoshida Kenji, trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, cho biết Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm của du lịch Nhật Bản. Đại diện JNTO kỳ vọng lượng khách Việt đến Nhật trong năm nay vượt mức kỷ lục năm 2019 (500.000 lượt). Bên cạnh đó, JNTO liên tục triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại Việt Nam, bổ nhiệm ca sĩ Đông Nhi - Ông Cao Thắng làm đại sứ du lịch Nhật Bản. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ nỗ lực liên kết chặt chẽ với các hãng không, công ty du lịch để hút khách Việt", ông Kenji cho biết.
Dự kiến trong hai tháng tới, lượng khách Việt đến Nhật tiếp tục tăng do trùng thời điểm mùa lá đỏ. Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, đồng yên mất giá khiến giá tour Nhật Bản năm nay giảm mạnh. Một tour đến Osaka hoặc Tokyo 4 ngày 3 đêm gồm vé máy bay khứ hồi, phí visa, khách sạn 3 sao, xe đưa đón sân bay tại Việt Nam cùng hướng dẫn viên hỗ trợ xuất nhập cảnh ở hai nước có giá từ 9,9 triệu đồng; tour trọn gói 4 ngày chặng Tokyo - núi Phú Sĩ hoặc Osaka - Kyoto - Tokyo từ 16,9 triệu đồng…
Đại diện một số đơn vị lữ hành outbound chuyên thị trường Nhật đánh giá, sở dĩ quốc gia này là điểm đến được nhiều khách Việt yêu thích vì liên tục có các hoạt động hợp tác du lịch, xúc tiến quảng bá chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài chi trả khi đến Nhật Bản. Ngoài ra, thời điểm cuối đông đầu xuân ở Nhật cũng trùng với kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam nên thuận lợi về thời gian,… Bên cạnh đó, du lịch xứ Phù Tang sau đại dịch cũng có nhiều điểm mới, nổi bật là việc hình thành "hành trình kim cương" (gồm 4 điểm đến là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Tokyo), bên cạnh "cung đường vàng" truyền thống.
Để thu hút khách quốc tế, Cơ quan Du lịch Quốc gia Nhật Bản hàng năm đều có cuộc gặp gỡ các phóng viên nước ngoài để báo cáo về hiện trạng và triển vọng du lịch nước ngoài cho các cơ quan du lịch Nhật Bản và các đơn vị khác. Tại cuộc họp năm nay, nhiều phóng viên đã chỉ ra khoảng cách về giá cả và thu nhập giữa Nhật Bản và nước ngoài. Chẳng hạn, sự cân bằng cung cầu chặt chẽ và mức chi tiêu cao của khách du lịch nước ngoài đang đẩy giá lên cao.
Đáng chú ý trong số các cơ sở lưu trú mới mở là những cơ sở vật chất đắt tiền dành cho khách du lịch nước ngoài, như khách sạn cao tầng sang trọng ở trung tâm đô thị và những ngôi nhà truyền thống Nhật Bản được cải tạo ở vùng nông thôn. Một nhà hàng ramen ở Roppongi, khu giải trí về đêm nổi tiếng ở Tokyo, hiện cung cấp một bát mì hảo hạng với giá 10.000 yên (67 USD), đặt ra nhiều câu hỏi dường như Nhật Bản có hai nhóm kinh tế rất khác nhau.
Một hệ thống định giá kép đang nổi lên như một giải pháp cho vấn đề này. Theo hệ thống này, giá và phí được đặt ở mức cao đối với du khách nước ngoài nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, duy trì cơ sở hạ tầng địa phương và kiểm soát nhu cầu, trong khi giá cả phải chăng được giữ cho người dân Nhật Bản. Các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để khách du lịch trong và ngoài nước cùng tồn tại. Một quan chức công ty lữ hành nội địa cho biết: "Khi chúng tôi chuẩn bị sản phẩm ở 3 mức giá, du khách nước ngoài chọn hàng cao cấp trong khi người Nhật chọn hàng giá trung bình".
Đề cập đến sự gia tăng trở lại của cả khách du lịch nội địa và nước ngoài, Ông Kenji Hamamoto, quan chức của Cơ quan Du lịch Nhật Bản đã chia sẻ các ví dụ như dòng người xếp hàng dài tại các trung tâm giao thông công cộng, xả rác và xâm phạm tài sản cá nhân để chụp ảnh. Hậu quả của tình trạng này không chỉ làm giảm sự hài lòng của du khách mà còn khiến người dân địa phương cảm thấy bất tiện.
Cơ quan này không nêu rõ khi nào các biện pháp để giải quyết tình trạng trên sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, mục tiêu là hoàn thành vào mùa thu với sự đóng góp từ các bộ liên quan, bao gồm Bộ Môi trường, Cơ quan Kỹ thuật số, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia và các cơ quan khác. Chính phủ và các đô thị trước đây đã theo đuổi các biện pháp đối phó với tình trạng khách du lịch quá đông và những nỗ lực sắp tới sẽ đẩy nhanh những gì đang diễn ra.
Theo ông Hamamoto, các biện pháp được thiết lập sẽ không chỉ giới hạn ở các trung tâm du lịch lớn nhất như Tokyo, Osaka và Kyoto. Thay vào đó, các bộ sẽ xem xét phạm vi địa điểm rộng hơn, chẳng hạn như các thị trấn, làng mạc và đảo nhỏ hơn đột nhiên thu hút được sự chú ý của khách du lịch và có thể không có đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng lượng du khách tăng đột ngột.
Sự thúc đẩy của lượng khách quốc tế lan rộng sang các dịch vụ liên quan tới du lịch. Tính theo số đêm, lượng đặt phòng khách sạn vào tháng 8 trên trang web Rakuten Travel tăng khoảng 30% so với cùng tháng năm 2019. Nhu cầu cao đã khiến giá phòng tăng đột biến. Khách sạn The Royal Park Hotel Iconic Tokyo Shiodome tại Tokyo đã tăng gần gấp đôi giá phòng trung bình hàng ngày vào tháng 8 do lượng khách quốc tế tăng đáng kể.
Để phân phối phù hợp, một số thương hiệu lớn thực hiện điều chuyển nhân viên. Khách sạn Seibu Prince Hotels Worldwide tạm thời chuyển lao động từ thủ đô Tokyo đến tỉnh Hokkaido và các nơi khác. Thiếu hụt lao động hiện trở thành vấn đề tồn tại dai dẳng trong ngành du lịch Nhật Bản. Nhà điều hành taxi MK có trụ sở tại Kyoto cho biết: "Đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải tại thời điểm này, và chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt nhân công khi bước vào mùa thu".