16:56 23/08/2023

Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ

Tường Bách

Có một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến với “thủ phủ” cà phê, đó là Bảo tàng Thế giới Cà phê nằm ngay trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá về lịch sử và văn hóa cà phê của thế giới...

Ảnh: Bảo tàng Thế giới Cà phê
Ảnh: Bảo tàng Thế giới Cà phê

Bảo tàng Thế giới Cà phê là một tổ hợp bao gồm các không gian trưng bày Bảo tàng, triển lãm, thư viện ánh sáng, thưởng lãm cà phê và hội thảo… Điểm độc đáo của bảo tàng là không gian trưng bày mở, với tinh thần “Sống - mở - tương tác”, nghĩa là, du khách có thể chạm vào hiện vật và thậm chí nếm thử hương vị cà phê được trưng bày tại đây. Có lẽ, chính điểm nhấn độc đáo này đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm bảo tàng.

TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ VỀ CÀ PHÊ VIỆT NAM

Theo nhiều khảo cứu, hành trình phát triển của cà phê Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn cơ bản: giai đoạn du nhập từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20; giai đoạn phát triển từ khoảng những năm 1925 khi cà phê được trồng trên quy mô rộng tại Việt Nam; và giai đoạn đổi mới hội thập từ năm 1986 đến nay, trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới...

Với mong muốn giới thiệu và làm rõ sự khác biệt – đặc biệt – duy nhất của văn hoá cà phê Việt Nam tới cộng đồng du khách khi đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, triển lãm chuyên đề “Gần hai thế kỷ cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu” sẽ diễn ra từ ngày 19/8 – tháng 11/2023.

Thông qua triển lãm, khách tham quan sẽ được du ngoạn cùng hành trình của cây cà phê tại Việt Nam qua hai thế kỷ từ những vùng đất, những đồn điền cà phê đầu tiên tại Việt Nam; quá trình khai phá tiềm năng vùng đất Tây Nguyên trong việc trồng, phát triển cây cà phê, giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới, chinh phục cộng đồng người yêu và đam mê cà phê toàn cầu.

Với cách trưng bày sống động, sáng tạo, khách tham quan sẽ được thưởng lãm nhiều không gian độc đáo như: không gian sống, làm việc của bác sĩ, nhà khoa học, nhà thám hiểm A.Yersin – một công dân danh dự của Việt Nam. Trong thời kỳ cà phê mới xuất hiện, ông đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm và trồng thử nghiệm cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Buôn Ma Thuột ngày nay. Các không gian quán hàng cà phê cùng hàng trăm hiện vật văn hoá cà phê ở thời kỳ “tem phiếu” được tái hiện cùng các cửa hàng mậu dịch, cà phê vỉa hè... trong thời kỳ cây cà phê phát triển tại Việt Nam giúp khách tham quan có thể trải nghiệm, tương tác…

Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ - Ảnh 1
Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ - Ảnh 2
 
Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ - Ảnh 3
Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ - Ảnh 4
 

Cùng sự hội tụ của rất nhiều các tỉnh thành trồng cà phê nổi tiếng tại Việt Nam như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị… Ngoài việc giới thiệu sản phẩm cà phê của các vùng nguyên liệu nổi tiếng tại Việt Nam, các đơn vị tham gia còn giới thiệu trưng bày các sản vật văn hoá đặc sắc như: công cụ lao động, thổ cẩm, các loại nhạc cụ… đặc trưng của mỗi cộng đồng đồng bào đang gắn liền với cây cà phê ở từng địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Quốc tế Hồng Kỳ đến từ huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Trong các tiêu chuẩn OCOP thì theo tôi tiêu chí quan trọng nhất để giúp hạt cà phê nâng cao được vị thế và phát triển một cách bền vững chính là yếu tố con người, sức mạnh của cộng đồng dân tộc địa phương đã trực tiếp tham gia quá trình chăm sóc, sản xuất vùng nguyên liệu cà phê có chất lượng tốt cho sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP”.

 

Du ngoạn cùng cà phê Việt Nam qua hai thế kỷ - Ảnh 5

Tương tự, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột cũng chia sẻ: “Triển lãm là dịp để giới thiệu, trưng bày sản phẩm cà phê; đồng thời tạo cơ hội quý giá kết nối giao lưu với các đơn vị hợp tác xã cà phê ở các vùng miền khác trên cả nước. Với sự lan tỏa này mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi cũng có thể học hỏi, góp phần cùng xây dựng chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng tốt hơn, đồng thời người nông dân cũng được hưởng lợi khi giá trị cà phê Việt ngày càng được nâng cao”.

KHI CÀ PHÊ LÀ SẢN PHẨM OCOP

Từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã bắt đầu triển khai chương trình OCOP nhằm xây dựng các sản phẩm đặc trưng theo tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được giá trị không chỉ trong nước mà vươn ra thị trường quốc tế. Sản phẩm cà phê là 1 trong những sản phẩm OCOP hàng đầu của tỉnh Sơn La, đây cũng là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu của địa phương này.

Để kết hợp mô hình OCOP với du lịch cộng đồng, sắp tới, Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động, như: Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La”; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La; Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; trưng bày ảnh đẹp về Cà phê Sơn La. Cùng với đó, sẽ diễn ra các hoạt động: Hội thi nhà nông đua tài; đêm Gala cà phê; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê...

Tương tự, các vùng miền ở tỉnh Đắk Nông đều có những sản vật đặc trưng có thương hiệu riêng. Những năm gần đây, các ngành chức năng, địa phương đã từng bước khai thác thế mạnh này để các hợp tác xã, nhà vườn phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Quý là một nông dân chính hiệu có nhiều năm gắn bó với việc sản xuất cà phê ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil. Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi, ông Qúy đã mạnh dạn sáng lập nên Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông đóng chân tại địa phương.

Các địa phương đã từng bước khai thác thế mạnh này để các hợp tác xã, nhà vườn phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời thu hút khách du lịch.
Các địa phương đã từng bước khai thác thế mạnh này để các hợp tác xã, nhà vườn phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời thu hút khách du lịch.

Sau khi mở công ty, ông Qúy tập trung sản xuất 2 mặt hàng chính là ca cao và cà phê. Theo ông Qúy, để phát triển sản xuất, kinh doanh, công ty đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị tiên tiến như máy rang, máy tách vỏ, máy nghiền hạt ca cao… Hiện nay, công ty đã có những bước phát triển mạnh ở thị trường trong và ngoài tỉnh, riêng sản phẩm ca cao đã đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2021.

Với “thủ phủ cà phê” Buôn Ma Thuột, “du lịch cà phê” lại càng là thế mạnh đặc trưng. Với những tour du lịch hiểu sâu hơn về cà phê, từ lúc còn trong vườn đến khi thành thức uống thơm ngon, cũng như những câu chuyện văn hóa độc đáo gắn liền với cà phê… nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở đây đã liên kết chặt chẽ với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm và khám phá của “thượng đế”.

Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty Cổ phần Du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Công ty Lữ hành Khám phá Tây Nguyên và Vietravel - Chi nhánh Buôn Ma Thuột… là những đơn vị tiên phong trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả sản phẩm du lịch trên.