08:11 25/11/2024

Đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng

Tuệ Mỹ

Đầu tư về mẫu mã, chất lượng nhưng giá cả phải phù hợp; đồng thời “phủ sóng” diện rộng để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu. Đó chính là cách nhiều doanh nghiệp bán lẻ và kênh phân phối vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. So với hàng nhập ngoại, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế bởi sự hiểu biết về thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng trong nước. Bởi vậy, thời gian qua, các hệ thống siêu thị ngoài việc cam kết kinh doanh từ 90% hàng Việt trở lên, còn liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất để cải tiến mẫu mã, chất lượng, đưa vào hệ thống thêm sản phẩm hàng nhãn riêng.

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen (Hoa Kỳ) cho thấy tại các thị trường phát triển, thị phần của sản phẩm hàng nhãn riêng đang chiếm khoảng 20%, đặc biệt tại châu Âu lên đến 30%. Trong khi đó ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ mới hơn 3% trên tổng số các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống bán lẻ.

Điều này cho thấy việc các siêu thị đẩy mạnh kinh doanh hàng nhãn riêng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng Việt.Với các sản phẩm này, người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa các sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam sản xuất với giá rẻ, không phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh từ quảng cáo và phân phối sản phẩm.

GIÁ THẤP NHƯNG CHẤT LƯỢNG KHÔNG GIẢM

Tại các thời điểm có sự biến động lớn về giá cả thì hàng nhãn riêng chính là một biện pháp có khả năng can thiệp phần nào vào sự cân bằng giá cả, hạn chế sự biến động giá theo kiểu “té nước theo mưa”. Hiện, các hệ thống siêu thị đều đang phát triển hàng nhãn riêng ở các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.

Người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Đơn cử, hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart đã có hơn 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng nhãn riêng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng. Tương tự, WinCommerce đã đẩy mạnh sản xuất hàng nhãn riêng từ rau WinEco, gạo Ngọc Nương, WinMart Good (thực phẩm khô), WinMart Cook (thực phẩm chế biến), cho đến WinMart Home (đồ gia dụng), WinMart Care (chăm sóc cá nhân)...

Hệ thống siêu thị Hapro Mart cũng đưa ra thị trường các sản phẩm tiêu dùng như mỳ ăn liền, rượu, xúc xích nhãn hiệu Hapro và được người tiêu dùng đón nhận. Tính riêng trong tháng 9/2024, hàng nhãn riêng của hệ thống SATRA đã ra mắt ba sản phẩm mới, đồng thời thực hiện khuyến mãi mạnh tay để thu hút khách hàng. Nhiều người tiêu dùng cho biết hàng nhãn riêng có chất lượng tương đồng với những sản phẩm cùng loại khác trên thị trường nhưng giá cả lại rẻ hơn từ 5 - 30%. Nếu mua trúng dịp khuyến mãi, giá các sản phẩm này có thể rẻ hơn 60% so với sản phẩm thông thường.

Không chỉ xuất hiện tại các siêu thị Việt, hàng nhãn riêng còn được hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Ví dụ như tại các hệ thống siêu thị AEON Việt Nam đang giới thiệu tới khách hàng hơn 8.000 mặt hàng thuộc hai nhãn hàng riêng là Topvalu và Hóme Cóordy. Hệ thống siêu thị Lotte cũng đang cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm mang thương hiệu Choice L từ đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp, cho đến mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo...

Lý giải nguyên nhân khiến hàng nhãn riêng có giá thấp nhưng chất lượng không giảm, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, cho biết những sản phẩm này có lợi thế kênh phân phối nên không phải tốn chi phí quảng cáo. Ngoài ra, nhà bán lẻ nắm được thị hiếu khách hàng, xu hướng tiêu dùng, mức chi tiêu... nên sản xuất các mặt hàng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ngược lại, sự hợp tác này giúp nhà sản xuất tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị, chi phí nhân công, qua đó giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Hiện, các hệ thống siêu thị đều đang phát triển hàng nhãn riêng ở các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.
Hiện, các hệ thống siêu thị đều đang phát triển hàng nhãn riêng ở các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.

TS. Lê Việt Nga, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhận định việc sản xuất hàng nhãn riêng không chỉ người tiêu dùng được hưởng nhiều ưu đãi mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất có thêm đơn hàng. Ở khía cạnh xây dựng thương hiệu, thì hàng nhãn riêng còn là phép thử và cũng là thước đo để nhà sản xuất biết được thương hiệu đã thực sự trở nên khó thay thế hay chưa. Do đó, việc phát triển các hàng nhãn riêng giúp mang lại hiệu quả kép, tạo ra thói quen mua sắm trung thành của người tiêu dùng đối với nhà bán lẻ và đối với các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. 

Trên thực tế, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước ngày càng cao đã khiến mức tiêu thụ hàng Việt tăng trưởng mạnh. Việc các đơn vị sản xuất và phân phối hoạt động tương hỗ nhau cũng đã giúp các đơn vị phát huy hết năng lực sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận. Theo thống kê, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.

Đến nay hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại, giá bán cạnh tranh. Điều đó cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận và sử dụng hàng Việt...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2024 phát hành ngày 25/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng - Ảnh 1