Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Chưa "chín", cần cân nhắc kỹ
Đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa yên tâm với đề xuất đưa hộ kinh doanh vào luật này
Đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa yên tâm với đề xuất đưa hộ kinh doanh vào luật này.
Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo uật đã bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh, quy định về nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh.
Dự thảo tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Bộ trưởng Dũng khẳng định, luật không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Dự thảo luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.
Những lý do này chưa thuyết phục được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trước khi luật hoá quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp?
Lên doanh nghiệp thuế má rất phức tạp, hộ kinh doanh làm gì có kế toán, có gian nhà con con mấy chục mét vuông thì kinh doanh đơn giản thôi, rồi lên doanh nghiệp tiếp thanh tra, kiểm tra cũng chết, không ai mong muốn điều này cả, ông Phúc phân tích.
Nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì đương nhiên coi họ như doanh nghiệp rồi, phải có đánh gía tác động kỹ chứ không vội được, tôi chưa đồng tình lắm, Tổng thư ký Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Cũng cho rằng cần phải đánh giá tác động thật kỹ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh khi đưa một chủ thể vào luật phải hết sức cân nhắc.
Báo cáo thẩm tra nói rằng trên thế giới chỉ có 2 nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh thì những nước còn lại quy định thế nào? ở văn bản nào? bà Nga đặt câu hỏi và cho biết là chưa yên tâm bổ sung quy định hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.
Nói rõ quan điểm là không nhất trí, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng không đưa vào luật thì hộ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường, nếu đưa vào có thể họ sẽ băn khoăn vào luật rồi thì nghĩa vụ thêm với nhà nước thế nào?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cân nhắc việc bổ sung hộ kinh doanh vì đặc trưng kinh tế của Việt Nam khác với các nước khác.
Nên có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, không phải vì hộ kinh doanh thực hiện thuế khoán nay đưa vào thì quản lý thuế chặt chẽ hơn, quan trọng là khoán có sát không, ông Hải phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.
Quan điểm là vấn đề nào đã rõ, đã "chín" thì mới bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dễ dàng chứ không nên sửa đổi những vấn đề chưa đánh giá tác động, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải trả lời được câu hỏi lớn nhất là sửa đổi luật có giải quyết được bất cập hiện nay hay không và phải bảo đảm không tạo ra sự không tương thích mới, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật.