Đưa Sơn La trở thành “thủ phủ” trái cây, nông sản
Thông qua Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân và Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, tỉnh Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá được các sản phẩm của tỉnh; kết nối giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao...
Trong hai ngày 28 và 29/5/2022, tại Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và chuỗi sự kiện Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.
Nhân dịp này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về những kế hoạch sắp tới của tỉnh.
Sơn La đang phát triển thành thủ phủ trái cây. Xin ông cho biết chiến lược phát triển cây ăn quả nói riêng, nông sản nói chung ở tỉnh Sơn La?
Với nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La mang hương vị thơm ngon riêng và rất phong phú về chủng loại. Riêng mặt hàng trái cây đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,…
Năm 2021 sản lượng cà phê nhân của tỉnh đạt 30.000 tấn, đứng thứ 2 cả nước; sản phẩm sắn đạt 500.000 tấn và chè búp tươi đạt khoảng 50.000 tấn. Về sản lượng trái cây, mận và nhãn là hai nông sản đứng đầu cả nước với trên 180.000 tấn.
Hiện Sơn La đã xây dựng được 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Sơn la cũng đã xây dựng được 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ; cùng với đó 18 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La, khoai sọ Thuận Châu; 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài gồm chè Shan tuyết và xoài tròn Yên Châu.
Năm 2022, dự kiến sản lượng nhãn của Sơn La đạt khoảng 100.880 tấn, sản lượng mận khoảng 81.000 tấn, chuối khoảng 58.040 tấn, cà phê nhân 32.000 tấn, chè khoảng 55.100 tấn… Riêng xoài, ước sản lượng khoảng 75.000 tấn, đứng thứ hai toàn quốc. Hiện toàn tỉnh có 99 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ và New Zealand với diện tích trên 1.400 ha.
Tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Sơn La thế nào, thưa ông?
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Sơn La đã giới thiệu 17 sản phẩm nông sản, xuất khẩu tới thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 150 triệu USD; trong đó, giá trị hàng hóa nông sản tươi đạt trên 24 triệu USD, nông sản chế biến 126 triệu USD.
Đối với thị trường trong nước, xoài Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như Big C, Winmart, Mega Market, Hapro Mart… và các chợ đầu mối, chợ truyền thống khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung bộ; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee…
Năm 2022, dự kiến toàn tỉnh Sơn La sẽ xuất khẩu trên 28.000 tấn trái cây và xuất khẩu khoảng 120.000 tấn sản phẩm nông sản chế biến gồm: chè, cà phê, tinh bột sắn, cao su. Tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021.
Được biết cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ thăm một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La. Xin ông cho biết, những mô hình này có gì đặc sắc để Sơn La giới thiệu với Thủ tướng?
Nhân dịp Thủ tướng có chuyến công tác đến Sơn La chủ trì hội nghị Đối thoại với nông dân, dự kiến Thủ tướng sẽ tham dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu, khánh thành cầu kính Bạch Long (huyện Mộc Châu); thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu xã Hát Lót, thăm tiến độ xây dựng và đầu tư Tổ hợp chế biến rau quả Doveco - dự án chế biến rau quả lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Mai Sơn; thăm Cảng hàng không Nà Sản.
Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu được kỳ vọng sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 1000 tỷ đồng, góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch cho huyện Mộc Châu.
Thủ tướng sẽ dự lễ khởi công Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu vào sáng 28/5, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Đây là dự án cho Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Chây là chủ đầu tư.
Tổ hợp gồm 2 hạng mục chính, trong đó có trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao Mộc Châu là mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch 150 ha, với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu sẽ được xây dựng trên diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy vào khoảng 2000 tỷ đồng, công suất thiết kế chế biến 500 tấn sữa/ngày và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2.
Dự kiến chiều 28/5, Thủ tướng sẽ thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Mô hình nông nghiệp này nằm trong vùng lõi của vùng cây ăn quả rộng lớn lên đến 1.800 ha của huyện Mai Sơn và là “thủ phủ” trái cây cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng cũng sẽ thăm công trường xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco tại xã Hát Lót. Dự án này được khởi công vào thứng 9/20220 với diện tích gần 9 ha, sẽ là trung tâm chế biến rau quả khép kín từ việc liên kết sản xuất thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu cùng hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu
Dự án với tổ hơp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay, gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và Puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm với thiết bị công nghệ từ Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm năm với công nghệ Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả đóng hộp công suất thiết kế 20.000 tấn/năm với dây chuyền thiết bị nhập từ Italia và Đức.
Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế bến nông sản. Vậy tỉnh sẽ có kế hoạch gì để xây dựng liên kết vùng nguyên liệu để hấp dẫn các nhà đầu tư?
Trong những năm qua tỉnh ủy Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển ngành nông nghiệp, trong đó, kiên trì thu hút các nhà đầu tư. Sơn La cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các hợp tác xã về đất đai, tín dụng, thuế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định quy hoạch vùng trồng cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, trong quyết định này đã quy định rất rõ vùng cây ăn quả của Sơn La.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có 560 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 17 nhà máy công suất lớn. Phải kể đến một số nhà máy chế biến như: Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, nhà máy cà phê Phúc Sinh, nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH và Trung tâm chế biến rau quả Doveco...
Trung tâm chế biến rau quả Doveco sẽ tạo liên kết vùng nguyên liệu giữa Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Khi Doveco đầu tư vào Sơn La thì chúng tôi sẽ đảm bảo với nguyên liệu đầu vào 389.000 tấn/năm.
Hiện nay, Sơn La có diện tích 80.000ha ngô ngọt, đảm bảo đủ đáp ứng cho nhà máy chế biến ngô ngọt của Doveco. Đối với cây ăn quả, Sơn La có 82.000ha, trong đó, xoài 19.900ha, nhãn 19.800, như vậy sản phẩm xoài đưa vào chế biến của Doveco với sản lượng 15.000 tấn/năm.
Đối với dứa, Sơn La đã huy động, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển vùng nghiên liệu. Hiện nay, dứa của các huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Sông Mã đã phát triển và cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Với những giải pháp này đã và đang tạo được vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn để đảm bảo nguồn đầu vào cho các nhà máy chế biến trái cây lớn.