13:31 29/12/2021

Sơn La dự kiến giảm 13.000 ha đất nông nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới

Thanh Xuân

Sở TN&MT tỉnh vừa tổ chức họp tham gia ý kiến vào nội dung Dự thảo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Nguyễn Tiến Dương, triển khai việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 của tỉnh, Sở đã chủ trì xây dựng đề cương nhiệm vụ, dự toán lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời phê duyệt kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn…;

Ngoài ra cũng tiến hành rà soát, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước; đôn đốc các sở, ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố đề xuất chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 gửi cho Sở TN&MT tỉnh tổng hợp và báo cáo gửi Bộ TN&MT đăng ký vào Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Mặt khác, để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định theo quy định, Sở đã ban hành công văn xin ý kiến của các Sở, ban ngành của tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố vào dự thảo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm.

Theo dự thảo nội dung Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh Sơn La, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đã được Chính phủ xét duyệt, góp phần sử dụng đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả. Nguồn thu từ đất trở thành nguồn lực quan trọng tăng thu cho ngân sách. Tỷ lệ đất nông nghiệp thực hiện đạt trên 92%; đất phi nông nghiệp trên 79%.

Nhìn chung, đất nông nghiệp được sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế, thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đất phi nông nghiệp tăng dần qua các năm, một số chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đáp ứng quá trình phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng và đô thị hóa. Tuy nhiên, một số dự báo chưa lường hết được sức hút đầu tư dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt được như kỳ vọng, đặc biệt là các chỉ tiêu đất khu công nghiệp, đất cụm công nghiệp, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản đạt thấp.

Trên cơ sở đó, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Sơn La được xây dựng với dự kiến giảm khoảng 12.000-13.000 ha đất nông nghiệp để đáp ứng cho các mục đích phi nông nghiệp như: Quy hoạch các vùng chuyên nuôi trồng thủy sản khoảng 60 - 65 ha; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 5.200 - 6.000 ha; Xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, phát triển đất nông nghiệp khác nhằm nâng cao giá trị sản xuất của đất trên đơn vị diện tích với diện tích khoảng 1.500 - 2.500 ha…

Với đất phi nông nghiệp, dự kiến tăng khoảng 13.500 - 14.000 ha để xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp Mai Sơn, Vân Hồ với diện tích khoảng 330 ha; phát triển các cụm công nghiệp với diện tích trên 250 ha; phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với diện tích khoảng 300 ha; bố trí đất cho mục đích thương mại, dịch vụ khoảng 2.500 - 3.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố; bố trí khoảng 950 - 1.100 ha đất để đáp ứng nhu cầu đất ở, phát triển các khu dân cư nông thôn…

Cùng với đó, khai thác khoảng 130.000 - 132.000 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cơ bản nhất trí với bố cục của Dự thảo; đồng thời, đã tham gia ý kiến về việc cập nhật lại một số diện tích các loại đất.

Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã giao đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố; phối hợp chặt chẽ với Sở để cập nhật các nội dung yêu cầu cần tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung. Thường xuyên báo cáo kết quả tiếp thu, chỉnh sửa để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ tổ chức thẩm định.

Đề nghị các các Sở, ban ngành của tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát và tham gia ý kiến đối với nội dung về chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 và danh mục các công trình dự án có nhu cầu sử dụng đất 5 năm gửi Sở TN&MT chỉnh sửa, bổ sung trước ngày 30/12/2021.

Giao Phòng đất đai và đo đạc bản đồ chủ động đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện theo tiến độ, đảm bảo nội dung yêu cầu chỉnh sửa bổ sung. Xây dựng kế hoạch tiến độ hoàn thành, yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh, trình Bộ TN&MT thẩm định theo quy định.