13:38 05/07/2024

Đức chặn đứng một vụ bán doanh nghiệp cho Trung Quốc

Bình Minh

Quyết định của Đức chặn thương vụ trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế quan đánh vào ô tô điện Trung Quốc...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Nhà chức trách Đức đã chặn thương vụ bán một công ty con của Volkswagen cho Trung Quốc, trên cơ sở an ninh quốc gia và giáng một đòn mới vào mối quan hệ song phương vốn dĩ đã căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Theo hãng tin CNN, MAN Energy Solutions - một công ty thuộc tập đoàn Volkswagen Group - hồi tháng 6/2023 cho biết có kế hoạch bán lại mảng turbine khí cho CSIC Longjiang GH Gas Turbine Co (GHGT) - một công ty quốc doanh Trung Quốc. Tuy nhiên, một cuộc rà soát được Chính phủ Đức khởi xướng vào tháng 9 năm ngoái đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các turbine khí có được nhờ thương vụ này để trang bị cho các chiến hạm.

Quyết định của Đức chặn thương vụ trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế quan đánh vào ô tô điện Trung Quốc, đẩy leo thang mâu thuẫn thương mại với Bắc Kinh. Chỉ vài ngày sau động thái thuế quan của Brussels, Trung Quốc mở một cuộc điều tra nhằm vào giá thịt lợn nhập khẩu từ các nước thành viên EU.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói Berlin hoan nghênh các công ty nước ngoài đầu tư vào Đức, nhưng các công nghệ liên quan đến “an ninh công cộng” phải được bảo vệ khỏi các quốc gia “có thể không phải lúc nào có một mối quan hệ thân thiết với chúng tôi”.

Cũng tại cuộc họp báo nói trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser nói bà hoan nghênh quyết định của chính phủ Đức “vì các lý do an ninh”.

Đức và Trung Quốc đạt kim ngạch thương mại hàng hóa song phương 255 tỷ euro, tương đương 275,3 tỷ USD, trong năm 2023. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Berlin với Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, khi Đức tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Đức hứng chịu nhiều tổn thất xuất phát từ mối quan hệ kinh tế gần gũi giữa nước này với Nga, nhất là sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Rút ra bài học từ đó, Đức muốn giảm bớt nguy cơ xảy ra điều tương tự trong tương lai.

Vào tháng 11/2022, Đức đã chặn thương vụ bán một trong những nhà máy sản xuất chất bán dẫn của nước này cho một công ty công nghệ có sở hữu của Trung Quốc, và lý do được đưa ra cũng là mối lo an ninh quốc gia.

Phát biểu ngày thứ Năm, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc phản đối việc “chính trị hóa sự hợp tác thương mại bình thường”. “Chúng tôi hy vọng rằng Đức sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử cho tất cả các công ty trên thế giới, bao gồm cả các công tyTrung Quốc”, người phát ngôn nói.

Về phần mình, MAN Energy Solutions cho biết công ty tôn trọng quyết định của Chính phủ Đức. “Chúng tôi sẽ khởi động một quy trình chặt chẽ để đóng cửa bộ phận turbine khí. Sáng kiến này sẽ được triển khai trong những tháng tới”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Thuế quan bổ sung, với thuế suất lên tới 38%, mà EU áp lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 5/7 trong giai đoạn đầu kéo dài 4 tháng. Đến tháng 11, EU sẽ đưa ra quyết định có áp thuế quan này trong thời gian 5 năm tiếp theo hay không.

Trong một tuyên bố ngày 4/7, Ủy ban châu Âu (EC) nói “việc tham vấn với chính phủ Trung Quốc đã được đẩy mạnh trong những tuần gần đây”, với mục đích nhằm giải quyết tranh chấp.

Volkswagen, hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, khẳng định lại quan điểm trước đó rằng thời điểm mà EU đưa ra quyết định trên là “bất lợi đối với nhu cầu đang yếu” đối với ô tô điện ở Đức nói riêng và ở châu Âu nói chung.

“Ảnh hưởng tiêu cực của quyết định này lớn hơn so với bất kỳ lợi ích tiềm tàng nào mà quyết định có thể mang lại cho châu Âu và nhất là ngành công nghiệp ô tô Đức”, Volkswagen nói trong một tuyên bố.

Các hãng ô tô điện lớn của Trung Quốc gồm BYD và Geely bị EU áp thuế quan bổ sung dao động từ 17-20%. Các thương hiệu ô tô châu Âu như Mercedes và Renault xuất khẩu ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường châu Âu sẽ bị áp thuế bổ sung 21%.