15:54 30/04/2022

Eurozone trước áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ

An Huy

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây ra sức trấn an giới đầu tư rằng ECB sẽ có phương pháp tiếp cận từ tốn hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiểm soát sự leo thang chóng mặt của lạm phát...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, với áp lực tăng giá ngày càng lớn do xung đột Nga-Ukraine, ECB sẽ đối mặt với thách thức không hề nhỏ.

Để thị trường tin rằng ECB sẽ không thắt chặt chính sách quá nhanh và quá mạnh, bà Lagarde khẳng định rằng nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện không được khỏe như kinh tế Mỹ. Dù vậy, điều này không thể ngăn các nhà đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng ECB bắt đầu nâng lãi suất ngay từ tháng 7 năm nay, và đó sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này sau một thập kỷ.

BƯỚC NGOẶT CHÍNH SÁCH CỦA ECB

Goldman Sachs và JPMorgan Chase dự báo một động thái như vậy sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn không chỉ đối với ECB mà còn đối với cả bà Lagarde, người mà mới tháng 12 năm ngoái còn nói rằng “rất khó có khả năng” ECB nâng lãi suất trong năm 2022. Giờ đây, thị trường đang đặt cược ECB nâng lãi suất cơ bản từ mức âm 0,5% hiện tại lên ngưỡng dương vào cuối năm nay và vượt mốc dương 1% trong năm 2023.

Ngay cả khi tăng lãi suất với tiến độ như trên, ECB vẫn chậm so với Fed. Tháng trước, Fed đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, từ 0-0,25% lên 0,25-0,5%, đồng thời được dự báo sẽ có đợt nâng tiếp theo với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 3 và 4/5 tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu về một loạt đợt tăng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm mỗi lần, nhằm nhanh chóng đưa lãi suất lên mức “trung tính” (neutral) - một mức lãi suất không có tác dụng kích thích tăng trưởng và cũng không gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng với điều kiện kinh tế Mỹ như hiện nay, lãi suất trung tính sẽ là 2,25-2,5%.

Sự quyết liệt của Fed trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác như ECB còn “rón rén” là một nguyên nhân đẩy tỷ giá đồng USD không ngừng leo thang thời gian gần đây. Ngày 27/4, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất hơn 2 năm ở ngưỡng gần 103 điểm. Chỉ trong vòng 1 tháng, chỉ số này đã tăng hơn 5,3%.

Thoạt nhìn, có vẻ như ECB đối mặt với vấn đề lạm phát nghiêm trọng không kém so với những gì Fed đang phải đương đầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khu vực Eurozone tăng kỷ lục 7,4% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng trung ương nhiều nước phát triển đề ra, đồng thời không kém nhiều so với mức lạm phát 8,5% ở Mỹ.

Nhưng trong một cuộc trao đổi với kênh CBS vào hôm 24/4, bà Lagarde nói rằng có một số lý do khiến ECB “đang đối mặt với một khó khăn rất khác” so với Fed, đặc biệt là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Chiến tranh đã đặt châu Âu trước biến động hết sức khó lường của giá năng lượng, trong khi khu vực này có sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga.

Ngày 27/4, Nga đã bắt đầu cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu, với hai mục tiêu đầu tiên là Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi tháng 3 là thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp. Bằng cách cắt khí đốt, Nga đang giáng một đòn khắc nghiệt vào kinh tế châu Âu, thể hiện sự đáp trả mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm này đối với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU đã đáp lên Nga liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine. Giá khí đốt giao sau tại thị trường Hà Lan có lúc tăng 24% trong phiên giao dịch ngày 27/4. Giá năng lượng tăng cao chiếm khoảng một nửa trong mức lạm phát của khu vực Eurozone, một tỷ lệ cao hơn so với ở Mỹ. Bà Lagarde nhấn mạnh và nói thêm rằng: “Nếu tôi nâng lãi suất ngay, thì giá năng lượng cũng chẳng thể giảm xuống được”.

NỖI LO SUY THOÁI

Sau khi loại trừ năng lượng và lương thực-thực phẩm, vốn là những nhóm mặt hàng có mức độ biến động cao, lạm phát lõi của Eurozone trong tháng 3 còn 2,9%. Mức này chưa bằng một nửa lạm phát lõi 6,5% ở Mỹ. Bà Lagarde cũng chỉ ra rằng thị trường lao động ở Mỹ cũng thắt chặt hơn nhiều so với ở châu Âu.

Lương bình quân theo giờ trong khu vực tư nhân ở Mỹ trong tháng 3 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương ở Eurozone vẫn èo uột, thậm chí mức tăng giảm còn 1,9% trong quý 4/2021 từ mức 2,3% trong quý trước đó. Bà Lagarde nói rằng những yếu tố này, cùng với nỗi lo chiến tranh ở Ukraine, sẽ gây tổn thất cho kinh tế châu Âu nhiều hơn các khu vực khác, đồng nghĩa với việc ECB muốn dịch chuyển chính sách tiền tệ “một cách có trình tự đầy đủ, phù hợp với thực tế, và chậm rãi để không gây ra suy thoái”.

Đầu tháng này, ECB tuyên bố dự kiến dừng mua trái phiếu từ quý 3 năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, bà Lagarde nói thêm rằng “khả năng cao chúng tôi sẽ hành động như vậy ngay vào đầu quý 3 và tiếp đó chúng tôi sẽ xem xét đến lãi suất, xác định xem sẽ tăng lãi suất như thế nào và bao nhiêu”. Phát biểu này mở ra khả năng ECB sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 21/7.

Chiến lược gia Frederik Ducrozet thuộc Pictet Wealth Management nói: “Những người theo trường phái cứng rắn đang muốn ECB nâng lãi suất trong tháng 7. Đây không còn là một chuyện điên rồ vào thời điểm này nữa”.

Bà Lagarde cũng nói tiến độ của việc thắt chặt sẽ tùy thuộc vào các dữ liệu. Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng các cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây trong Eurozone, chẳng hạn chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global hay chỉ số niềm tin kinh doanh Đức của Ifo Institute, đều cho thấy kinh tế Eurozone đang chống chọi với ảnh hưởng của chiến tranh tốt hơn so với những gì được nhận định. Điều này càng củng cố khả năng ECB nâng lãi suất trong tháng 7.

“Tình hình tăng trưởng có xấu đi, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng lĩnh vực dịch vụ lại tốt lên nhiều nhờ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế sau thời gian Covid căng thẳng”, chuyên gia Silvia Ardagna của Barclays phát biểu. Theo thống kê mới nhất, nền kinh tế Eurozone tăng 0,2% trong quý 1/2022 so với quý 4/2021, và lạm phát tháng 4 là 7,5%, tăng nhẹ so với mức lạm phát 7,4% của tháng 3 - tiếp tục gây sức ép đòi ECB thắt chặt chính sách tiền tệ.

Một mối lo đối với ECB vào lúc này là vài lần gần đây khi lãi suất tăng, như vào các năm 2008 và 2011, suy thoái ở Eurozone xảy ra không lâu sau đó. Một số quan chức ECB và chuyên gia phân tích lo ngại rằng ngân hàng trung ương này có thể lặp lại sai lầm như vậy.

“Giảm tốc kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi cho rằng châu Âu sẽ cấm vận dầu thô của Nga theo một cách nào đó trong năm nay, và nếu điều đó xảy ra, kinh tế Eurozone nhiều khả năng sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong nửa sau của năm”, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Âu của Morgan Stanley, bà Jens Eisenschmidt, nhận định.