FDI vào Việt Nam năm 2024: Tăng trưởng ổn định và dấu ấn từ các nhà đầu tư
Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2024 tăng trưởng chậm, nhưngnhững tín hiệu tích cực từ các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao và năng lượng tái tạo đang tạo đà vững chắc cho sự bứt phá trong năm 2025...
![](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/01/09/anh-t19.png)
Theo ông Phạm Đức Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 chỉ tăng nhẹ (1%, tính đến tháng 11/2024) so với cùng kỳ năm 2023, do chịu ảnh hưởng từ bốn yếu tố quan trọng.
"Để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần thúc đẩy số hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực giải
quyết tranh chấp thương mại. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cũng là yếu tố
quan trọng để Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội trong các ngành công nghiệp bán dẫn, linh kiện điện
tử và năng lượng tái tạo".
Chuyên gia kinh tế Phạm Đức Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng.
Thứ nhất, bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nền kinh tế lớn đã làm tăng chi phí vốn. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc cũng tạo ra hiệu hứng tiêu cực cho khu vực châu Á.
Thứ hai, vấn đề nội tại của Việt Nam. Giá nhân công, mặt bằng công nghiệp gia tăng, cùng với sự thiếu hụt lao động kỹ năng cao và hạ tầng logistics chưa đồng bộ, đang giảm bớt lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ ba, cạnh tranh trong khu vực. Các quốc gia như Indonesia và Ấn Độ đang cung cấp những chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển xanh, gây áp lực lên Việt Nam.
Thứ tư, biến động chính trị trong nước. Những thay đổi trong thượng tầng chính trị tạo ra tác động hai chiều cho dòng vốn FDI. Dù làm một số nhà đầu tư thận trọng, nhưng nỗ lực cải cách như chiến dịch chống tham nhũng, đang gửi tín hiệu tích cực về cam kết minh bạch hóa môi trường đầu tư.
NHỮNG DẤU ẤN MỚI
Mặc dù chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, song trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm, thu hút FDI của Việt Nam được đánh giá là khá tích cực. Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì dòng vốn FDI trong năm 2024.
![FDI vào Việt Nam năm 2024: Tăng trưởng ổn định và dấu ấn từ các nhà đầu tư - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/01/09/anh-t19-1.png)
Cụ thể, thông qua mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore được nâng cấp từ năm 2023, Singapore tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam với 9,14 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng vốn FDI, tăng trưởng mạnh mẽ 53,7% so với cùng kì năm ngoái. Sự gia tăng này là do Singapore đóng vai trò là nơi trung gian cho các doanh nghiệp từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty con để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Hàn Quốc xếp thứ hai với 3,89 tỷ USD, dù giảm 9% so với năm 2023 nhưng vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
“Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc nhờ vào lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào và sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển ngành bán dẫn để các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng các chuỗi giá trị cung ứng”, ông Kim Nyonho, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nhận định.
Trung Quốc đứng thứ ba về vốn đăng ký FDI, chiếm 28,3%, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tổng vốn FDI đạt 28,2 tỷ EUR, tăng 40% trong 4 năm qua nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong đó nổi lên là các dự án “đầu tư xanh”.
“Các dự án thành công như nhà máy bia Hà Lan đạt tiêu chuẩn gần như không chất thải, sáng kiến canh tác cà phê bền vững của Nestlé, các dự án lọc nước của Hungary và nhà máy sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo của LEGO là minh chứng rõ nét cho đóng góp của các doanh nghiệp châu Âu vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, đưa ra những dẫn chứng tại Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024.
SỰ CHUYỂN DỊCH VỀ LĨNH VỰC ĐẦU TƯ
Trước những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và sự nổi lên của các xu hướng phát triển bền vững, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt trong dòng vốn FDI với “sự lên ngôi” của các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chuyển hướng từ sản xuất điện tử sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ tài chính (fintech), bất động sản và công nghiệp bán dẫn. Một ví dụ rõ ràng cho sự chuyển dịch này là Lotte - tập đoàn đã mở rộng đầu tư vào tài chính, bất động sản, năng
lượng tái tạo và công nghệ số, với khoản đầu tư lên đến 6,07 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào công đoạn lắp ráp và kiểm tra trong chuỗi giá trị bán dẫn tại Việt Nam, với các dự án tiêu biểu như Amkor (1,6 tỷ USD) tại Bắc Ninh và Han Yang tại Phú Thọ.
"Các dự án thành công như nhà máy bia Hà Lan đạt tiêu chuẩn gần như không chất thải, sáng kiến
canh tác cà phê bền vững của Nestlé, các dự án lọc nước của Hungary và nhà máy sử dụng hoàn toàn
năng lượng tái tạo của LEGO là minh chứng rõ nét cho đóng góp của các doanh nghiệp châu Âu vào
tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam".
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam.
“Xu hướng đầu tư này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tạo cơ hội hình thành cụm ngành bán dẫn. Động thái này phản ánh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”, chuyên gia Phạm Đức Anh nhận định.
Các quốc gia châu Âu đang chú trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các tập đoàn lớn như Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch), Orsted (Đan Mạch), Air Liquide (Pháp) và Iberdrola (Tây Ban Nha) đang nghiên cứu và triển khai các dự án về điện gió ngoài khơi và hydro xanh quy mô lớn tại Việt Nam. Mỗi dự án điện gió ngoài khơi được đề xuất công suất lên tới 3-5 GW, với tổng mức đầu tư từ 8-12 tỷ USD.
Air Liquide, doanh nghiệp Pháp có vốn FDI lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã bắt đầu tập trung vào việc phát triển các giải pháp hydro tái tạo và giảm carbon tại Việt Nam. Theo bà Claire Rosseler, Tổng giám đốc Air Liquide Việt Nam, Việt Nam đang có tiềm năng trở thành đầu tàu trong
khu vực trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, với các lợi thế tự nhiên sẵn có. Điều này giúp Việt Nam vừa giảm phát thải carbon, vừa củng cố an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Một ví dụ đáng chú ý là sự tham gia của SACE, tập đoàn bảo hiểm và tài chính trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Ý, đã đầu tư 42 triệu USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Ý để mở rộng thị trường tại Việt Nam trong lĩnh vực mía đường và thực phẩm.
“Thông qua các sáng kiến như vậy, SACE sẽ mở một cửa ngõ để chuyển dịch dòng vốn FDI từ các ngành truyền thống sang công nghệ và xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho Việt Nam”, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Ý tại Việt Nam, cho biết.
Năm 2025, Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội thu hút FDI, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc và chuyến thăm của CEO của Nvidia, ông Jensen Huang, vào tháng 12/2024 dự kiến sẽ tạo cơ hội lớn, thu hút nhà cung cấp phụ trợ và hình thành cụm ngành bán dẫn tại Việt Nam.
TRIỂN VỌNG THU HÚT FDI 2025
Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn mới từ các doanh nghiệp Mỹ trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
![FDI vào Việt Nam năm 2024: Tăng trưởng ổn định và dấu ấn từ các nhà đầu tư - Ảnh 2](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/01/09/anh-t19-1.png)
Quy hoạch điện 8 của Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 70% tổng công suất điện vào năm 2050, mở ra cơ hội đầu tư hàng trăm tỷ USD, đặc biệt trong điện gió và hydro xanh.
“Việt Nam cũng có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió ngoài khơi, với công suất ước tính lên tới 600GW, đủ cung cấp năng lượng cho hàng triệu hộ gia đình”, ông Stuart Livesey, Giám đốc điều hành của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nhận định.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn.
"Thông qua các sáng kiến đầu tư tài chính, SACE sẽ mở một cửa ngõ để chuyển dịch dòng vốn FDI từ các ngành truyền thống sang các lĩnh vực công nghệ và xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển của nền
kinh tế Việt Nam".
Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Ý tại Việt Nam.
Một là, cải thiện hệ thống pháp lý và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển các ngành công nghệ cao. Ông Kim Jong Woo, Tổng Giám đốc InfoPlus, nhấn mạnh sự phức tạp trong thủ tục hành chính và thiếu đồng bộ trong quy trình cấp phép là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hai là, vấn đề giải phóng mặt bằng và tiếp cận đất đai, với quá trình này kéo dài và phức tạp, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Để giải quyết các vấn đề này, ông Phạm Đức Anh đề xuất cần đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính và xây dựng “cổng thông tin một cửa” để giúp nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024, Luật Điện lực (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo môi trường minh bạch và hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các ngành mới như AI, công nghệ số và năng lượng tái tạo.
Để thu hút hiệu quả làn sóng đầu tư này, Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế giá điện và quy hoạch phát triển lưới điện đồng bộ. Cùng với đó, cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút nhiều dự án công nghệ cao hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 06/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại ĐÂY:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
![FDI vào Việt Nam năm 2024: Tăng trưởng ổn định và dấu ấn từ các nhà đầu tư - Ảnh 3](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2024/12/28/19-21-1.png)