06:00 05/09/2021

Gánh nặng vẫn đè lên vai doanh nghiệp logistics

Vũ Khuê

Chuỗi vận chuyển, cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; sự không thống nhất về các quy định chống dịch tại các địa phương; gia tăng chi phí hoạt động đang gây khó cho các doanh nghiệp ngành logistics...

Các doanh nghiệp logistics chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp logistics chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Chia sẻ với VnEconomy, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm CEO Bee Logistics chia sẻ, các văn phòng phía Nam như TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn.

QUY ĐỊNH BẤT NHẤT, DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ 

Vận tải trong nước của công ty gần như lỗ. Bởi chi phí xét nghiệm, thời gian quay vòng khó, trước mỗi ngày chạy một chuyến giờ 2 ngày mới được một chuyến vận tải. Hơn nữa, đi qua các trạm mất rất nhiều thời gian do kiểm tra dịch bệnh, giấy tờ xét nghiệm…

Bên cạnh đó, các vấn đề về hải quan, lao động ở cảng, sân bay bị hạn chế. Xin giấy đi đường trong TP.HCM, Đà Nẵng từ các Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải vẫn mất nhiều thời gian, 2-3 ngày. Hệ luỵ kéo theo các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn. Khá nhiều nhà máy hàng xuất khẩu không xuất được vì làm thủ tục, xin giấy đi đường không kịp.

Vì dịch bệnh nên đa số nhân viên văn phòng làm việc từ xa, còn những nhân viên làm việc tại hiện trường, công ty chấp nhận bỏ chi phí ra thuê văn phòng gần nơi phải làm dù thu từ khách hàng vẫn giữ nguyên.

Ngoài ra, những chi phí xét nghiệm, test Covid cho nhân viên đi làm cũng đội chi phí của công ty lên hàng tỷ đồng/2 tháng dịch. Đa phần các địa phương không chấp nhận test nhanh nên bắt buộc doanh nghiệp phải bỏ chi phí ra test PCR cho người lao động.

Ông Thạnh nhẩm tính, nếu tính riêng đội xe của Bee Logistics 60 cái, 3 ngày một lần test, nếu đi test tập thể thì chi phí mức 250 ngàn, tính một tháng 1 nhân sự hết 2,5 triệu (trong điều kiện test ghép được). Nhưng vì là công việc đặc thù nên rất khó ghép, do xe về trước, xe về sau, hàng về trước - về sau... nên chi phí xét nghiệm công ty bỏ ra thường 750 nghìn mỗi lần cho một nhân viên.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm CEO Bee Logistics
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm CEO Bee Logistics

Tất cả những thách thức trên khiến công suất làm việc của doanh nghiệp giảm tới 50%. Nếu trước khi chưa có dịch, riêng chi nhánh trong TP.HCM giải quyết được 1.000 lô hàng ngoài cảng (làm thủ tục hải quan) nhưng đến nay lượng hàng giảm, tốc độ chậm lại nhiều.

Ngoài ra, Covid cũng khiến khách hàng, đối tác của công ty khó khăn nên công nợ nhiều hơn. Trong khi đó, lương lao động vẫn không giảm, với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, công ty vẫn trợ giúp.

Ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam (Vinalogistics) bổ sung, vướng nhất trong ngành logistics hiện nay là lưu thông của phương tiện và con người. Chỉ đạo từ Chính phủ là đúng nhưng ở dưới cấp địa phương thực hiện chưa thống nhất.

Các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường. Nhiều địa phương yêu cầu lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa không từ vùng dịch đi qua phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR và khai báo tại các chốt kiểm soát lộ trình cụ thể như chốt kiểm soát đầu vào – đầu ra tỉnh.

Không chỉ vậy, vừa qua Chính phủ đã ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Nhưng hiện nay ở một số địa phương vẫn áp dụng quy định cũ.

CẦN HOẠCH ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ KHẨN CẤP

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, ông Thạnh cho rằng, quan trọng nhất lúc này là Chính phủ thống nhất trong chỉ đạo, điều hành giữa các bộ ngành, trung ương đến địa phương.

Mặt khác, khi ban hành một quyết định nào đó cần xem xét kỹ xem nó tác động đến doanh nghiệp, người dân như thế nào. Cần phân tích thực tế ngành nào là quan trọng cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bảo vệ sản xuất nhưng không có logistics lo đưa đầu ra ra thị trường trong nước, ra nước ngoài thì càng tạo gánh nặng lưu kho cho doanh nghiệp sản xuất.

 
Chính sách của nhà nước là bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển lâu dài. Nếu hôm nay ra chính sách này, ngày mai thấy không phù hợp lại thay đổi thì rất khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xoay như chong chóng, dần dần mất lòng tin vào chính sách nên tinh thần kinh doanh đi xuống.

Theo ông Thạnh, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ Australia, Ấn Độ, Thái Lan… Ở nước ngoài, dù dịch bệnh nặng thế nào ngành logistics cũng được quan tâm nhất vì nó là xương sống của nền kinh tế.

Khi dịch bệnh xảy ra, các nước đóng cửa, thực hiện hạn chế đi lại rất nghiêm ngặt nhưng họ lại rất ưu tiên lĩnh vực logistics, ngành này vẫn hoạt động bình thường. Nhưng bản thân doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, tự quản lý: như đi – về đúng điểm, được quyền cắt cử người làm, nếu xảy ra vấn đề phải giải trình, nếu giải trình sai phải chịu phạt.

Bên cạnh đó là có các chính sách về giãn, hoãn các khoản phí như tiền quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội- y tế, các loại thuế… giúp doanh nghiệp có điều kiện vực dậy.

“Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp được hỗ trợ gì cũng tốt. Bản thân ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, nên có thể giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chịu đựng được. Lãi suất cho doanh nghiệp chênh từ 2,5% đổ về là tốt cho doanh nghiệp”, CEO Bee Logistics gợi ý.

Đặc biệt, ông Thạnh đốc thúc, cần ưu tiên, đẩy nhanh tiêm vaccine cho toàn bộ lao động logistics không chỉ ở vùng dịch mà cần trên cả nước. Riêng tại TP.HCM Bee Logistics có 200 nhân viên nhưng vẫn còn mấy chục lao động chưa được tiêm vaccine.