09:50 24/03/2008

Gạo quá hạn âm thầm qua biên giới

Gạo quá hạn sử dụng đang chất đống bên kia tuyến biên giới phía bắc chực chờ vượt biên

Ai có thể kiểm soát có bao nhiêu gạo quá hạn qua cầu Hồ Kiều?
Ai có thể kiểm soát có bao nhiêu gạo quá hạn qua cầu Hồ Kiều?
Gạo quá hạn sử dụng đang chất đống bên kia tuyến biên giới phía bắc chực chờ vượt biên.

Trong nhiều năm qua, chỉ có Việt Nam xuất gạo đi các nước chứ không thể có chuyện Việt Nam phải nhập khẩu gạo từ các nước về ăn. Vậy mà trong thời gian gần đây, tại các chợ nông sản thực phẩm của Lào Cai và một số tỉnh phía bắc bỗng xuất hiện một loại gạo hạt béo tròn, khi bốc nắm gạo lên có nhiều hạt đã chuyển sang màu vàng xỉn, bụng gạo trắng đục và được bán với giá rẻ.

Chị Hoa - một tiểu thương chuyên kinh doanh gạo tại chợ Cốc Lếu, Lào Cai - đã khẳng định đó là loại gạo của Trung Quốc quá hạn sử dụng được nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch.

Tại khu vực chợ nông sản ở thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), nằm cạnh khu chợ người Việt chuyên bán dao kiếm, thuốc kích dục dỏm..., chợ nông sản Hà Khẩu hoàn toàn do người Trung Quốc làm chủ.

Qua dãy hàng gà là đến dãy hàng gạo, gạo được bày bán tại chợ nông sản Hà Khẩu đủ chủng loại, từ gạo đặc sản Trung Quốc với giá tới hơn 8 tệ cho tới gạo rẻ nhất có giá 2,85 tệ. Với lý do cần mua vài chục tấn gạo loại rẻ nhất để đem về Việt Nam bán, A Lý, một chủ bán gạo ở đây đã dẫn phóng viên đến nhà kho của Lý. Gạo chất đầy lên tới tận trần nhà, cả kho dễ đến vài trăm tấn.

Lý bảo đây là gạo dự trữ tại các kho của Trung Quốc đã hết hạn sử dụng nên thải ra. Vì là gạo hết hạn sử dụng nên phải phun một số loại hoá chất để bảo quản khỏi nấm mốc và mối mọt, qua nhiều năm các loại hoá chất đó ngấm vào nên gạo nên có mùi hôi rất khó chịu, dùng chủ yếu cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tiếp tục tìm kiếm trong vai người đi mua gạo, phóng viên đã tìm được "tổng kho" của gạo hết hạn sử dụng nằm ở dãy phố nhỏ thuộc đường Nhân Dân sát bên bờ sông Nậm Thi. Cả dãy phố có hàng chục đại lý bán loại gạo này. Có lẽ từ đây về Việt Nam chỉ phải qua con sông Nậm Thi nước cạn đến lưng ống chân nên các thương lái Hà Khẩu đã đưa về đây hàng trăm, hàng ngàn tấn gạo hết niên hạn sử dụng.

Mặc dù là gạo hết niên hạn, nhưng đều đã được đóng lại bằng các vỏ bao mới trông khá bắt mắt, chỉ khi mở vỏ bao ra mùi hôi mới xộc lên mũi.

Việc gạo lậu vào Việt Nam cả ban ngày lẫn ban đêm quanh khu vực Hà Khẩu là điều hoàn toàn có thật. Chỉ cần ngỏ lời cần vận chuyển vài tấn gạo từ Hà Khẩu về Lào Cai là ngay lập tức hàng trăm "cửu vạn" hàng ngày chuyên chở hàng từ Hà Khẩu về Việt Nam sẵn sàng nhận lời với giá 300 đồng/kg. Để tránh sự kiểm soát của hải quan, gạo được bỏ dưới đáy những bao hàng, phía trên là gạch ốp lát, đồ chơi trẻ em...

Có lẽ với xe hàng đầy với đủ chủng loại và vốn đã quen mặt những người chở hàng thuê nên hải quan, biên phòng cũng chẳng xét hỏi làm gì nên gạo lậu cứ vô tư qua cầu Hồ Kiều vào Việt Nam. Chỉ cần qua chắn barie kiểm soát của hải quan, biên phòng, cửu vạn dỡ hàng và phân loại hàng ngay trước mắt lực lượng này mà chẳng ai có ý kiến gì vì địa bàn này thuộc sự quản lý của quản lý thị trường.

Không chỉ vượt biên "chính tắc" qua cầu Hồ Kiều, gạo lậu còn vượt biên qua các lối "mở" đi lại không kiểm soát của cư dân hai bên biên giới.

Nếu tính theo giá thành tại Lào Cai thì mỗi kilôgram gạo nhập lậu vào Việt Nam có lãi tối thiểu 1.000 đồng. Trong thời buổi buôn gì cũng khó nên tư thương đã nhập gạo lậu vào Việt Nam với số lượng lớn và từ nhiều tháng nay, nhưng lực lượng quản lý thị trường Lào Cai có vẻ rất thờ ơ.

Có một điều rất đáng nói nữa là nếu như chủ hàng nhập lậu gạo về Việt Nam và thay ngay vỏ bao thì hầu như không lực lượng chức năng nào có thể xử lý được họ, vì họ có thể cãi ngay rằng đó là gạo trong nước.