15:58 19/12/2009

"Gập ghềnh" 3G

Mạnh Chung

Thêm một nhà mạng cung cấp các dịch vụ 3G ra thị trường, tuy nhiên, các dịch vụ được coi là“miền đất hứa”

Liệu các dịch vụ 3G có phát triển mạnh?
Liệu các dịch vụ 3G có phát triển mạnh?
Vừa có thêm một nhà mạng cung cấp các dịch vụ 3G ra thị trường. Tuy nhiên, dường như người tiêu dùng vẫn chưa “nhiệt tình” lắm với các dịch vụ này.

Ngày 15/12, MobiFone chính thức cung cấp 4 dịch vụ 3G ra thị trường, gồm: Video Call (đàm thoại nhìn thấy hình ảnh); Mobile Internet (truy cập Internet qua di động); Mobile TV (xem trực tiếp các kênh truyền hình từ di động); Fast Connect (truy cập Internet băng rộng di động từ máy tính thông qua sóng di động).

Đa dạng hơn MobiFone, trước đó hai tháng, mạng di động đầu tiên VinaPhone cũng đã cung cấp 6 dịch vụ 3G ra thị trường. Ngoài 4 dịch vụ như của MobiFone, VinaPhone còn có thêm 2 dịch vụ nữa là Mobile Camera (xem trực tiếp hình ảnh tình trạng các nút giao thông) và 3G Portal (thế giới thông tin và giải trí trên điện thoại di động).

Nếu xét về mức giá các dịch vụ 3G của hai nhà mạng này thì gần như tương đương nhau, như dịch vụ Mobile TV đều có mức cước tối đa là 50.000 đồng/tháng; dịch vụ Video Call trung bình từ 1.000 – 2.000 đồng/phút. Trong đó mỗi dịch vụ, các nhà mạng lại chia nhỏ ra thành các gói cước, mức cước khác nhau.

Hay như một trong các dịch vụ được coi là có thế mạnh phát triển là Mobile Internet cũng được MobiFone và VinaPhone chia làm nhiều gói cước để thu hút khách hàng, như của VinaPhone gồm có 5 gói cước giới hạn và 3 gói cước không giới hạn theo ngày, tuần, tháng, gói cước có đơn giá thấp nhất là 10.000 đồng/tháng; MobiFone gồm gói cước Surf1 là 12.000 đồng/ngày, Surf7 80.000 đồng/7 ngày, Surf30 300.000 đồng/30 ngày…

Chưa mấy quan tâm

Thế nhưng, với mức cước của các dịch vụ 3G trên, nhiều người dùng điện thoại di động mà VnEconomy khảo sát, cho rằng mức cước dịch 3G có cao hơn chút ít so với khả năng nhu cầu sử dụng thông thường của người tiêu dùng. “Nhưng nếu cần thiết thì vẫn có khả năng sử dụng thường xuyên được”.

Tất nhiên, chưa kể đến yếu tố chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp, ở đây chỉ tính đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ 3G trên của người tiêu dùng, nhưng hầu hết những người được hỏi đều cho biết chưa có nhu cầu sử dụng và chưa quan tâm lắm đến dịch vụ 3G.

Hiện các dịch vụ 3G mà hai nhà mạng cung cấp, và cũng sẽ là những dịch vụ cơ bản đầu tiên mà các nhà mạng tiếp theo sẽ cung cấp, phần nhiều đều mang tính năng giải trí như Video Call, Mobile TV hay 3G Portal và truy cập Internet.

Anh Lê Ngọc Tân, chuyên gia của một công ty giải trí truyền thông, người thường xuyên phải làm việc trên môi trường Internet phân tích, nếu xét ở góc độ phân khúc thị trường thì các dịch vụ 3G chủ yếu là tập trung ở đối tượng ở thành thị, giới trẻ, giới văn phòng và những người thường xuyên làm việc và có sử dụng Internet.

Tuy nhiên, với các chương trình giải trí trên điện thoại theo mức độ thường xuyên thì người dùng sẽ xem qua tivi và máy tính, nguyên nhân cơ bản là do cấu hình phù hợp với mắt, tiện ích và chất lượng hình ảnh cũng tốt hơn. Hơn nữa, đặc biệt là máy tính thì mức độ kết nối Internet đã rất lớn nên khả năng tiếp cận sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.

Còn nhu cầu sử dụng các dịch vụ 3G qua điện thoại di động, theo anh Tân mới chỉ là nhất thời ở một địa điểm, đối tượng và mức độ nhất định nào đó. Như những người thường xuyên phải di chuyển, đi tàu xe, tranh thủ thời gian truy cập Internet, hay những người trẻ đang yêu… vì thế mức độ sử dụng sẽ rất thấp.

Ngay như anh Tân, người đã sử dụng dịch vụ 3G khi VinaPhone vừa cung cấp ra thị trường, cũng chỉ để tranh thủ lướt Internet xem tin tức khi chưa kịp “ngồi vào máy tính”, còn những dịch vụ khác thì… bỏ qua.

Ngoài ra, khi sử dụng dịch vụ công nghệ 3G đòi hỏi phải có máy thiết bị đầu cuối- điện thoại di động có chức năng 3G. Trong khi hiện nay, một số dòng điện thoại có chức năng 3G trung bình thấp nhất cũng khoảng trên dưới 3 triệu đồng, và không phải là thị phần của đại đa số người sử dụng. Cũng có một số nhà mạng như VinaPhone có đưa ra bộ máy riêng dùng cho thẻ sim của mạng với giá rẻ hơn, nhưng hàng “Made in China” này có tính năng và chất lượng sử dụng kém.

Một nguyên nhân cơ bản, lâu dài có thể sẽ dẫn đến hạn chế người tiêu dùng sử dụng dịch vụ 3G- khi mà cơ bản các dịch vụ đều được người sử dụng tiếp nhận qua thiết bị là điện thoại di động và cách tiếp cận là nhìn trực tiếp, mà cấu hình điện thoại di động rất nhỏ - nên nếu sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến mắt.

Dịch vụ nào sẽ phát triển?

Với các dịch vụ mà hai nhà mạng đã cung cấp, nhiều chuyên gia thị trường viễn thông cho rằng, dịch vụ có tiềm năng phát triển và mức độ sử dụng thường xuyên nhất là sử dụng Internet qua máy tính từ sóng di động 3G, nếu như giá cước phù hợp và tốc độ truy cập tốt.

Sở dĩ như vậy vì hiện xu hướng sử dụng máy tính xách tay (laptop) và netbook, nhất ở các thành phố ngày càng gia tăng và phù hợp với nhu cầu và phong cách sử dụng của giới trẻ.

Mặc dù vậy, theo ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc mạng di động Viettel, dịch vụ thanh toán (thương mại điện tử) qua di động sẽ là một trong những dịch vụ có tiềm năng phát triển nhất khi công nghệ 3G được triển khai.

Nhận định trên như đã được thấy rõ trong chủ trương của nhà mạng này vì, mặc dù hai mạng lớn là VinaPhone và MobiFone đều chưa công bố cung cấp dịch vụ thanh toán qua di động nhưng cách đây mấy hôm, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Quân đội (MB) đã cho ra mắt sản phẩm đồng thương hiệu BankPlus.

Cụ thể, với sản phẩm BankPlus, thuê bao của Viettel nếu sử dụng sẽ tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng và thanh toán các dịch vụ viễn thông như thanh toán hóa đơn cho thuê bao di động trả sau, hóa đơn Homephone, hóa đơn ADSL, nạp tiền cho thuê bao di động trả trước của Viettel (cho chính chủ tài khoản hoặc cho người khác)…

Tuy vậy theo ông Trung, khó khăn nhất với dịch vụ thanh toán qua di động là tính bảo mật. “Vì thế, nếu đảm bảo an toàn được tính bảo mật cho các thuê bao di động thì nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán qua di động của người tiêu dùng trong tương lai sẽ là rất lớn”.