Giá dầu chốt lại tháng giảm sâu
2 tuần phục hồi mạnh vừa qua không đủ để giúp giá dầu hồi phục lại mức sụt giảm thê thảm của 2 tuần trước đó
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tiếp tục tăng sau khi nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng cắt giảm sản lượng và việc nhu cầu dầu sẽ tăng khi chính phủ một số nền kinh tế lớn trên thế giới đưa ra gói kích thích kinh tế mới, theo tin từ Wall Street Journal.
Tính đến hết phiên ngày hôm qua, giá dầu đã tăng được 6/7 phiên và hồi phục được 25% trong khoảng thời gian đó. Mức tăng trong 2 tuần qua cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Yếu tố chủ yếu giúp giá dầu tăng trong thời gian qua chính là việc nhà đầu tư kỳ vọng Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hợp tác giảm sản lượng. Bộ trưởng Năng lượng Nga tuyên bố nước này sẽ thảo luận về khả năng giảm 5% sản lượng trong buổi họp vào tháng 2 tới với OPEC.
Ngoài ra, thứ Sáu vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Nhật chính thức đưa ra chính sách lãi suất âm để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường dầu cũng đã phần nào bớt bi quan hơn. Số liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy số lượng nhà đầu tư dự báo về khả năng giá dầu giảm sâu đã giảm đáng kể trong 2 tuần qua.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 tăng 40 cent tương đương 1,2% lên mức 33,62 USD/thùng, đóng cửa ở mức cao nhất tính từ ngày 6/1/2016.
Trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 85 cent tương đương 2,5% lên mức 34,74 USD/thùng, đóng cửa ở mức cao nhất từ ngày 5/1/2016.
Tính trong cả tháng 1, cả hai loại dầu vẫn sụt giá đáng kể. Giá dầu WTI giảm 3,42 USD/thùng tương đương 9,2% còn giá dầu Brent giảm 2,54 USD/thùng tức 6,8%. Cả giá dầu WTI và dầu Brent đã giảm 3 tháng liên tiếp.
Một số chuyên gia khác trên thị trường năng lượng trong khi đó lại khá hoài nghi về khả năng giá dầu có thể tiếp tục tăng mạnh. Dù Nhật đã đưa ra chương trình hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng Nhật lại không phải là một nước tiêu thụ dầu lớn của thế giới. Ngoài ra, khả năng Nga hợp tác với OPEC giảm sản lượng dầu vẫn chưa phải là điều chắc chắn.
Ngoài ra, Iran, một nước xuất khẩu dầu lớn trong OPEC vẫn giữ lập trường khá cứng rắn. Iran khẳng định nước này sẽ không tính đến giảm sản lượng cho đến khi lượng xuất khẩu của Iran ra thị trường thế giới chưa chạm mức 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Hiện mỗi ngày Iran bán ra thị trường thế giới 1,1 triệu thùng dầu/ngày.
Đó là còn chưa kể đến việc khi ngày một nhiều các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đưa ra chính sách kích thích kinh tế, trong số đó là các biện pháp hạ giá đồng nội tệ, còn Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tính đến nâng lãi suất cơ bản đồng USD, đồng USD sẽ ngày càng mạnh hơn. Đồng USD mạnh sẽ là yếu tố khiến giá dầu sụt giảm.