14:10 08/01/2025

Giá dầu có thể xuống 70 USD/thùng trong năm 2025?

Thu Minh

Dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2025 từ mức 80 USD/thùng xuống 75 USD/thùng trong kịch bản cơ sở và 70 USD/thùng trong kịch bản tiêu cực do quan ngại về những bất định cho thị trường trong năm tới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong cập nhật triển vọng cổ phiếu dầu khí năm 2025, Chứng khoán KBSV giảm dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2025 từ mức 80 USD/thùng xuống 75 USD/thùng trong kịch bản cơ sở và 70 USD/thùng trong kịch bản tiêu cực do quan ngại về những bất định cho thị trường trong năm tới.

GIÁ DẦU GIẢM DO CUNG VƯỢT CẦU 

Các tổ chức EIA và IEA đều dự báo tăng trưởng nguồn cung sẽ vượt tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong năm 2025. Triển vọng giá dầu thô năm 2025 sẽ phụ thuộc vào 3 câu chuyện chính: khả năng thẩm thấu của các chính sách kích cầu tới nền kinh tế Trung Quốc, khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và khả năng tổng thống Trump hiện thực hóa các cam kết về việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ. Khối OPEC+ có thể sẽ tiếp tục trì hoãn nới lỏng cắt giảm sản lượng nếu triển vọng cung cầu không cải thiện.

Cán cân cung cầu tàu chở dầu thô vẫn ở vị thế tương đối an toàn cho năm 2025. BIMCO dự báo tăng trưởng nhu cầu tấn-dặm (khối lượng điều chỉnh theo quãng đường vận chuyển) và nguồn cung tàu dầu thô năm 2025 đạt lần lượt 3% và 1,3% so với cùng kỳ.

Ngược lại, KBSV có quan điểm thận trọng hơn đối với triển vọng phân khúc tàu chở xăng dầu thành phẩm. Lượng đơn đặt hàng/tổng số tàu hiện đã chạm mức xấp xỉ 20% (Clarksons) do nhu cầu tăng nhanh trong giai đoạn 2021-2024, khiến các hãng tàu bắt đầu đầu tư mở rộng đội tàu nhanh chóng.

BIMCO dự báo tăng trưởng nhu cầu tấn-dặm cho tàu chở thành phẩm năm 2025 sẽ đạt 3% theo năm, thấp hơn tăng trưởng nguồn cung ở mức 3,7%. Phần lớn lượng đơn đặt mua hiện tại có thể sẽ gia nhập thị trường từ nửa sau năm 2025 và gây ra rủi ro thừa cung lớn. Việc tắc nghẽn tại khu vực kênh đào Suez cải thiện cũng sẽ là rủi ro lớn cho triển vọng nhu cầu vận tải xăng dầu.

Giá cước và hiệu suất giàn khoan tự nâng trên các thị trường giảm trong 3Q2024 do Saudi Aramco tạm thời dừng một số hợp đồng thuê giàn để điều chỉnh kế hoạch khai thác. S&P Global kỳ vọng thặng dư nguồn cung tại Đông Nam Á đạt đỉnh ở mức 11 giàn trong tháng 9/2024, sau đó dần điều chỉnh xuống trung bình 6 giàn trong giai đoạn 2025-2026. Nguồn cung giàn tự nâng vẫn trong trạng thái thắt chặt trong 2 năm tới do hiệu suất khai thác đạt mức cao trong khi số lượng giàn đóng mới duy trì rất thấp.

Giá dầu có thể xuống 70 USD/thùng trong năm 2025?  - Ảnh 1

Ở trong nước, KBSV cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng phân khúc thượng nguồn dầu khí giai đoạn 2025-2027. Dự án Lô B Ô Môn, khởi công từ tháng 9/2024, kỳ vọng tạo 6,4 tỷ USD giá trị hợp đồng cho phân khúc thượng – trung nguồn, tương đương tổng đầu tư của toàn ngành giai đoạn 2016-2023. Tuy nhiên, việc chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) có thể làm tăng rủi ro chậm trễ giải ngân. Ngoài ra, các dự án Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Thiên Nga – Hải Âu, Sư Tử Trắng 2B cũng có thể đóng góp thêm 2,8 tỷ USD công việc trong giai đoạn 2025-2027.

Việc đẩy mạnh tiêu thụ khí LNG là xu hướng tất yếu tại Việt Nam, nhưng đang gặp rủi ro giá khí nhập khẩu biến động mạnh trong khi giá bán điện đầu ra chưa đủ hấp dẫn. Trong năm 2024, Bộ Công Thương đã có động thái tháo gỡ với việc ban hành mức giá trần cho các nhà máy điện khí LNG ở mức 2,590.85 VND/kWh (10.57 Uscent/kWh) và mức giá LNG (không bao gồm VAT, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí) tối đa là 12.9792 USD/mmBTU. Kỳ vọng khung giá cước cho chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối LNG cũng sẽ được hoàn thiện trong năm 2025 để đồng bộ với tiến độ của các nhà máy Nhơn Trạch 3&4.

Với dự thảo gần nhất, các thương nhân đầu mối và phân phối được tăng tính linh hoạt trong việc quyết định giá bán lẻ. Kỳ vọng dự thảo Nghị định sẽ được thông qua trong nửa đầu năm 2025.

LỢI NHUẬN DOANH NGHIỆP VẪN TĂNG TỚI 145%

Về triển vọng cổ phiếu, PVD và PVS vẫn là những cổ phiếu ưa thích cho năm 2025 do hưởng lợi từ nhu cầu trong khu vực trong khi thị giá cổ phiếu đã điều chỉnh sâu xuống mức hấp dẫn. Lợi nhuận sau thuế của PVD kỳ vọng tăng trưởng 42% nhờ cung cầu giàn khoan thuận lợi giúp giá cước tăng 2%, giàn khoan mới kỳ vọng đi vào hoạt động từ 4Q2025 và thị trường E&P nội địa kỳ vọng sôi động, giúp LNG mảng dịch vụ kỹ thuật giếng tăng trưởng 35%. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá sẽ là yếu tố cần đề phòng đối với PVD.

Lợi nhuận sau thuế của PVS dự báo tăng 33% chủ yếu nhờ tăng trưởng LNG mảng xây lắp và mảng bảo dưỡng ở mức 112% và 35% từ khối lượng công việc thượng nguồn dầu khí và điện gió ngoài khơi. Khả năng chậm trễ tiến độ các dự án dầu khí nội địa là rủi ro chính cho PVS.

Nhóm trung nguồn với cổ phiếu tiêu biểu là PVT sẽ có động lực tăng trưởng từ tổng trọng tải mở rộng thêm 14%, cước tàu dầu thô tăng thêm 3% và cước hàng rời hồi phục 5% trong năm 2025. Tuy nhiên, giá cước tàu xăng dầu thành phẩm và LPG quốc tế có thể suy giảm 5% bởi lượng lớn tàu mới gia nhập thị trường. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi của PVT kỳ vọng giảm 8,7%. Thị giá hiện tại đã lên đến mức tương đối hợp lý.

GAS và PLX đang ở mức giá hấp dẫn, đủ để chiết khấu cho rủi ro giá dầu. Lợi nhuận sau thuế của GAS được dự báo tăng trưởng 8,2% chủ yếu nhờ đẩy mạnh mảng khí LNG. Mức tăng trưởng này chưa bao gồm tiềm năng ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập chi phí dự phòng và hoàn thành cơ chế giá cước khí LNG.

Kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của PLX tăng trưởng 32,6% nhờ mở rộng biên lợi nhuận gộp do hưởng mức chi phí định mức mới trong khi chi phí vận tải và nhân công có thể giảm 1%. Lợi nhuận sau thuế của BSR có thể hồi phục mạnh 145% từ mức nền thấp năm 2024 nhưng rủi ro giá dầu và biên lọc dầu suy giảm là tương đối lớn. KBSV hạ khuyến nghị cho BSR xuống mức trung lập do thị giá đã tới gần mức giá mục tiêu cho năm 2025.