Giá dầu đồng loạt vượt 110 USD, cổ phiếu dầu khí không “gánh” nổi thị trường
Giá dầu tăng bùng nổ khi các lệnh trừng phạt lẫn nhau gia tăng. Đến chiều nay giờ Việt Nam, cả dầu WTI lẫn Brent đều vượt qua mốc 110 USD/thùng, qua đó đẩy giá cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón tăng vọt. Đáng tiếc nhóm này chỉ là những đốm sáng lẻ loi khi toàn thị trường đỏ rực...
Giá dầu tăng bùng nổ khi các lệnh trừng phạt lẫn nhau gia tăng. Đến chiều nay giờ Việt Nam, cả dầu WTI lẫn Brent đều vượt qua mốc 110 USD/thùng, qua đó đẩy giá cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón tăng vọt. Đáng tiếc nhóm này chỉ là những đốm sáng lẻ loi khi toàn thị trường đỏ rực.
VN-Index đóng cửa chiều nay giảm 0,88% so với tham chiếu, tức là không thấp hơn thời điểm cuối phiên sáng. Tuy nhiên độ rộng lên tới 319 mã giảm/137 mã tăng và 160 mã giảm trên 1%. Mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã bị hạ thấp xuống.
VN-Index giảm ít hơn là do một số cổ phiếu trụ đã phục hồi nhẹ theo hướng bớt giảm, qua đó giảm gánh nặng điểm số. VIC là ví dụ, dù mã này chốt ngày vẫn dưới tham chiếu 0,38%, nhưng so với mức giảm 1,77% cuối phiên sáng thì rõ ràng là khá hơn. SAB cũng khá đột ngột, đóng cửa được kéo tăng 1,5% so với tham chiếu, tức là chiều nay tăng gần 1,26%. GAS không mạnh thêm bao nhiêu, nhưng cũng nhích vài bước giá so với cuối phiên sáng, đóng cửa tăng 1,27%. Ngoài ra cũng có thể kể tới VCB “lết” được về tham chiếu.
GAS, VJC, NVL và SAB là 4 trụ khỏe nhất của VN-Index. Đáng tiếc là số giảm quá nhiều, trong đó toàn bộ các mã ngân hàng đỏ đậm. Dầu khí thì chỉ có GAS và PLX là vốn hóa cao, còn lại đều là những mã nhỏ. Nhìn chung khả năng nâng đỡ điểm số không phải lợi thế của những nhóm cổ phiếu đang hấp dẫn ở giai đoạn hiện tại.
Đối với các mã ngân hàng, SSB và KLB là hai cổ phiếu duy nhất tăng. Các mã blue-chips của nhóm này giảm trên 3% có MBB, STB, HDB, CTG, BID, VPB, TPB. Nhóm giảm trên 2% có ACB, SHB, TCB. Ảnh hưởng của cổ phiếu ngân hàng phản ánh rất rõ lên mức giảm 1,42% của chỉ số VN30-Index cuối ngày. Chỉ số này thể hiện nhóm blue-chips bị hạ mặt bằng giá đáng kể, khi cuối phiên sáng mới giảm 1,18% so với tham chiếu.
Diễn biến bất ngờ nữa của phiên chiều là dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường với quy mô cực lớn. Phiên sáng khối này xả 1.274 tỷ đồng ở HoSE thì chiều nay bán thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa. Tổng giá trị bán của khối này chiếm 7,5% tổng giá trị sàn HoSE. Mức bán ròng khoảng 1.170 tỷ đồng.
Các blue-chips bị xả dữ dội là HDB -153,7 tỷ, HPG -130,6 tỷ, CTG -104,8 tỷ. KBC, VIC, VND, NLG, GAS, MSN, SSI, NVL, GEX cũng bị bán rất nhiều. Chỉ tính riêng cổ phiếu trong rổ VN30 phiên này đã bị rút ròng đi 725,3 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh ở nhiều blue-chips là một áp lực không nhỏ, nhưng phần bán chính vẫn là nhà đầu tư trong nước. Lượng bán tại HDB chiếm khoảng 54% tổng thanh khoản mã này nhưng tại CTG chỉ chiếm cỡ 16,5%. VPB tuy giảm 3,31% giá trị nhưng khối nội lại xả tới gần 98% thanh khoản. Nhìn chung cổ phiếu ngân hàng hôm nay bị nhà đầu tư trong nước bán là chính, khá nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang giảm mạnh hơn thị trường chung.
Đặc biệt hôm nay thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng lên cực cao. Tất cả các cổ phiếu nhóm này trên HoSE khớp xấp xỉ 8.563 tỷ đồng, chiếm 29,2% tổng giá trị sàn này. Đây là phiên cao nhất kể từ kỷ lục trên 13,3 ngàn tỷ hồi tháng 11 năm ngoái. Thế nhưng mức giảm giá mạnh toàn diện ở cổ phiếu ngân hàng cũng cho thấy thanh khoản cao do nhà đầu tư bán tháo là chủ đạo.
Cổ phiếu ngân hàng cũng là lý do khiến thanh khoản thị trường hôm nay tăng cao. Cụ thể, HoSE khớp lệnh 29.332 tỷ đồng, tương đương tăng gần 4,49 ngàn tỷ đồng so với hôm qua thì riêng nhóm ngân hàng đã tăng 4,19 ngàn tỷ đồng, tức là đóng góp gần như toàn bộ mức tăng.
VN-Index mất 13,26 điểm hôm nay cũng không phải là nhiều, thậm chí ngưỡng sâu nhất của chỉ số cũng chưa bằng biên độ hôm 24/2, là ngày xung đột bùng nổ. Tuy vậy cổ phiếu đang cho thấy có tiềm năng điều chỉnh nhiều hơn.