Giá dầu thế giới tăng 40% một tháng
Tính từ mức đáy thiết lập trong tháng 2 năm nay, giá dầu hiện đã tăng được hơn 40%
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu thế giới tiếp tục chuỗi tuần tăng liên tiếp.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 1,7%, lên 38,50 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng được 7,2% trong tuần này, và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,9% lên mức 40,39 USD/thùng, tăng được 4,3% trong tuần này, và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Tính từ mức đáy thiết lập trong tháng 2 năm nay, giá dầu hiện đã tăng được hơn 40%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định các công ty năng lượng tại Iraq, Nigeria và UAE đã giảm sản lượng dầu khoảng 90 nghìn thùng/ngày. Ngoài ra, nhiều nước sản xuất năng lượng lớn khác của thế giới cũng đã thu hẹp sản xuất năng lượng.
IEA nhận định, giá dầu đã qua thời kỳ sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu mới nhất từ Goldman Sachs cho thấy cung cầu trên thị trường năng lượng đã bắt đầu cân bằng, nguồn cung dầu ra thị trường năm nay sẽ tiếp tục giảm.
“Khi IEA chính thức xác nhận rằng sản xuất dầu đang chuyển hướng, đó có thể coi như một bước ngoặt quan trọng của thị trường, dù sẽ phải mất khá nhiều thời gian giá dầu mới có thể trở lại mức cũ”, theo ông Phil Flynn, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại tổ chức đầu tư Price Futures Group.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thông tin từ nghiên cứu của IEA đều phát đi tín hiệu lạc quan. Sản lượng của Iraq và Nigeria giảm không hoàn toàn bởi ý muốn chủ quan của hai nước này, mà bởi hệ thống đường ống dẫn dầu bị hỏng.
Ngoài ra, dù sản lượng của hai nước trên giảm khá sâu, nhưng Iran lại đang bán mạnh dầu ra thị trường sau khi lệnh trừng phạt với nước này được gỡ bỏ.
Cũng theo tính toán của IEA, nhu cầu dầu từ phía Trung Quốc hiện đang tăng dưới mức trung bình. Ngoài ra, tình hình kinh tế thế giới hiện tại cũng có nhiều yếu tố không thuận lợi, khiến nhu cầu dầu ở mức thấp.
Những tuần gần đây, giá dầu được hỗ trợ rất nhiều bởi thông tin nhiều nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới như Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela có thể nhóm họp để đưa ra chính sách cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên theo nhận định của ngân hàng ANZ, khả năng các nước trên thống nhất được về hướng giảm sản lượng không cao và nếu điều đó có xảy ra thì mức giảm sản lượng cũng sẽ không đáng kể.