08:00 29/08/2023

Giấc mơ phê duyệt tín dụng tự động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tùng Thư

Khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là vấn đề đã được đưa ra bàn luận, tìm cách giải quyết từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tới 5 hội nghị tìm giải pháp tín dụng cho SME. Tuy nhiên, các nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ…

Phía doanh nghiệp cho rằng những yêu cầu của ngân hàng về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, báo cáo tài chính... là khắt khe.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng than thở thông tin của các doanh nghiệp nhỏ và vừa “tù mù”, bất nhất nên họ không dám giải ngân nếu không có tài sản thế chấp. Đó là cách để đảm bảo an toàn rủi ro cho tổ chức tín dụng.

NGÂN HÀNG LO "THẢ GÀ RA ĐUỔI"

Tình trạng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới… Song, nút thắt này được giải quyết bằng cách tập trung dữ liệu lớn để xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng SME với độ chính xác cao. Đến nay, một số quốc gia trong khu vực châu Á đã phê duyệt khoản vay không có tài sản đảm bảo lên đến gần 3,5 tỷ đồng (250.000 USD) nhờ phát triển tốt hệ thống chấm điểm tín dụng SME.

Sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, nhiều đoàn Đại biểu Quốc hội đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước kiến nghị tìm các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là SME.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thiếu tài sản bảo đảm, chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán… chứng từ kế toán chưa đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng. Do đó, cử tri đề nghị ngành ngân hàng cần xem xét, nới lỏng các điều kiện nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận tín dụng trong bối cảnh các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với SME (đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,2% so với cuối năm 2022, chiếm 18,24% tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng tạo điều kiện cho SME tiếp cận vốn tín dụng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Việc nâng cao chất lượng tín dụng, giữ ổn định an toàn hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.

Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nói: “Mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là an toàn sau đó mới đến hiệu quả. An toàn cho chính ngân hàng cấp tín dụng, an toàn cho hệ thống và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Vị luật sư này cho rằng ngân hàng luôn mong muốn cho vay càng nhiều càng tốt nhưng vấn đề mấu chốt là đòi nợ. Trước khi cho vay, nếu ngân hàng không nhìn thấy khả năng thu hồi nợ, dự án không khả thi, năng lực tài chính doanh nghiệp yếu kém thì chắc chắn, ngân hàng sẽ khép cửa. 

 

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,5% so với cuối năm 2022, chiếm 18,4% tổng dư nợ nền kinh tế

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Một chuyên gia khác nghiên cứu về khủng hoảng ngân hàng, ông Peter Verhoeven, Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu trong 50 năm qua là nới lỏng chuẩn tín dụng. Tiếp đến là cho vay quá hạn, tỷ lệ đòn bẩy cao, các khoản vay giá rẻ, tài sản thế chấp được định giá quá cao; kiểm soát kém, thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý. Chỉ một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tàu. Nếu ngân hàng phạm phải các vấn đề nêu trên, khi kinh tế chững lại, rủi ro vỡ nợ gia tăng, gây ra nợ xấu. Những điều này có thể đẩy ngân hàng đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và mất thanh khoản”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của thẩm định cấp tín dụng, ông Peter Verhoeven nêu một loạt yêu cầu: “Khi làm việc với khách hàng, đừng chỉ nhìn vào những thông tin trên giấy, trên hồ sơ mà cần tăng cường đến hiện trường, đến nhà xưởng của họ, đến cửa hàng của họ xem quy trình của họ đang làm như thế nào; nhà máy có hoạt động hay không; hàng hóa đang tồn kho bao nhiêu; bao nhiêu máy móc đang hoạt động; bao nhiêu công nhân đang làm việc…”.

TẬN DỤNG DỮ LIỆU GIAO DỊCH CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ DOANH NGHIỆP

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực quản trị rủi ro tại nhiều nước trên thế giới, TS. Tom Garside, phụ trách quản trị rủi ro khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Oliver Wyman, cho biết mô hình quản trị rủi ro đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi để phù hợp với bối cảnh. Mô hình quản trị rủi ro mới nhất hiện nay dựa nhiều vào thu thập và phân tích dữ liệu, đặc biệt đối với những rủi ro truyền thống như rủi ro tín dụng.

Theo khảo sát với 20 ngân hàng tại 7 quốc gia của Oliver Wyman vào năm 2022, hầu hết các ngân hàng đang phát triển tính năng phê duyệt tín dụng tự động. Trong số 20 ngân hàng được khảo sát, 85% ngân hàng đã áp dụng phê duyệt tín dụng tự động nhưng chỉ 50% trong số đó đã phát triển đầy đủ các tính năng trên nền tảng số.

Trung bình các ngân hàng trong khảo sát này cho vay tới 250.000 USD không có tài sản bảo đảm và 3,4 triệu USD có tài sản bảo đảm thông qua phê duyệt tín dụng tự động theo thời gian thực. Một số ngân hàng đưa ra giới hạn lên tới 6,6 triệu USD không có bảo đảm và 13 triệu USD có bảo đảm. Trong 2-3 năm tới, các ngân hàng đặt mục tiêu tăng giới hạn tối đa gấp 2-4 lần.

Có thể thấy, phát triển khả năng phê duyệt tín dụng tự động là vấn đề trọng tâm của 85% ngân hàng được khảo sát.

 

Việc chấm điểm tín dụng SME tự động đòi hỏi thông tin phong phú và đáng tin cậy về cả doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp, thậm chí cả cổ đông liên quan – dữ liệu thường thiếu ở thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam. Đây là 1 trong 4 nút thắt khi chấm điểm tín dụng SME cần được tháo gỡ.

Chấm điểm tín dụng là một kỹ thuật thống kê kết hợp một số đặc điểm tài chính để đánh giá khả năng trả nợ của người đi vay, từ đó đưa ra hạn mức tín dụng và mức lãi suất phù hợp.  Điểm tín dụng SME thường bao gồm các đặc điểm tài chính của cả doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.

Trong mô hình chấm điểm tín dụng truyền thống, các yếu tố của cây quyết định bao gồm: doanh thu/lợi nhuận của công ty, hiệu suất thanh toán trong quá khứ, số lượng nhân viên và số năm kinh doanh…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2023 phát hành ngày 28-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giấc mơ phê duyệt tín dụng tự động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  - Ảnh 1