Nhiều nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa
Trong cơ thể người, hệ tiêu hóa là hệ thống các cơ quan bao gồm ống tiêu hóa: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Những cấu trúc phối hợp gồm: răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, tuỵ, gan và túi mật. Các cơ quan này làm nhiệm vụ ăn, tiêu hóa thức ăn để tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, và đẩy các chất thải còn lại ra ngoài. Tuy nhiên, vào mùa hè cơ thể dễ phát sinh nhiều bệnh tật, nhất là những bệnh về đường ruột… bởi nhiều nguyên nhân:
Mùa hè đến đồng nghĩa với việc nhiệt độ tăng cao, mưa liên tục khiến không khí trở nên nóng ẩm. Lúc này cũng là thời điểm các mầm bệnh sinh sôi nảy nở, điển hình là những bệnh về da, bệnh xương khớp, bệnh hô hấp và bệnh tiêu hóa. Đồng thời, trong giai đoạn chuyển mùa giữa mùa khô và mùa mưa, con người chưa kịp thích nghi khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh.
Không chỉ thời tiết thay đổi, môi trường nước bị nhiễm bẩn, các sinh vật gây bệnh cũng bắt đầu phát tán. Một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh về tiêu hóa là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (ăn uống thiếu vệ sinh, chưa được nấu chín, đun sôi…). Đặc biệt, tiêu chảy là bệnh khiến nhiều người mắc phải trong những lúc thời tiết giao mùa.
Ở nhiệt độ bình thường trong phòng ở, cứ 20 phút thì số lượng vi khuẩn trong thức ăn lại nhân lên gấp đôi. Vào mùa hè, không khí nóng ẩm còn khiến vi khuẩn phát tán nhanh chóng. Ngoài ra, vi khuẩn có thể tồn tại trên bề mặt bếp nấu trong nhiều giờ và lây lan sang những thức ăn khác nếu như bếp nấu không đảm bảo sạch sẽ. Nếu thức ăn bị nhiễm khuẩn, đây không chỉ là nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của bạn dễ tổn thương mà còn lây lan nguồn gây bệnh sang những người khác.
Khi có những triệu chứng rối loạn hệ đường ruột, phần lớn người dân thường tự mua thuốc về điều trị hoặc chữa theo bài thuốc dân gian.
Việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh hay thiếu dưỡng chất rất dễ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây nên tình trạng đau bụng, đi ngoài, táo bón... Bệnh để lâu không chữa trị sẽ làm vùng viêm nhiễm nặng hơn, lan rộng và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện như của người lớn, thường có nguy cơ rối loạn (loạn khuẩn đường ruột) và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn so với người lớn.
Tuy nhiên, khi có những triệu chứng rối loạn hệ đường ruột, phần lớn người dân thường tự mua thuốc về điều trị hoặc chữa theo bài thuốc dân gian. Điều đó rất nguy hiểm vì một số bệnh về đường tiêu hóa có dấu hiệu khá giống nhau. Biểu hiện táo bón, đi ngoài ra máu của bệnh trĩ, đầy hơi chướng bụng của rối loạn tiêu hóa hay mót rặn đi cầu nhiều lần trong ngày của kiết lỵ đều có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư đại trực tràng. Theo đó, nếu uống thuốc sai, người mắc có thể "tiền mất, tật mang" khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng.
Tại Việt Nam, các bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu trong nhóm bệnh nội khoa do người bệnh nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP). Trong đó, rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp nhất song nhiều người vẫn chưa biết cách phòng tránh.
Cần chủ động phòng bệnh thường xuyên
Theo các kết quả nghiên cứu, bộ máy tiêu hoá có bốn công việc chính: vận chuyển, nhào lộn thức ăn với dịch tiêu hoá; tiêu hoá thức ăn thành những phần nhỏ hơn; hấp thụ thức ăn đã tiêu hoá, chủ yếu diễn ra ở ruột; chuyển hoá các thức ăn đã được hấp thụ thành những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, chủ yếu diễn ra ở gan.
Muốn hoàn thành các chức năng trên, hệ tiêu hoá thực hiện các hoạt động nhào bóp, bài tiết dịch tiêu hoá, hấp thụ và đào thải. Do "đảm nhiệm" nhiều trọng trách nên các triệu chứng bệnh thường gặp của bộ tiêu hoá rất đa dạng, rải dọc theo ống tiêu hoá.
Để phòng chống các dịch bệnh hay gặp trong mùa hè, đặc biệt là bệnh về đường tiêu hóa, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách, không sử dụng thức ăn chế biến lại nhiều lần... luyện tập nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, trường học, nơi làm việc.
Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn trong đường ruột. Vì thế, một trong những cách ngăn chặn hại khuẩn là bổ sung sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics trong thực đơn hàng ngày để tăng số lượng lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột, xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh và hệ tiêu hóa cân bằng. Hại khuẩn là một trong các tác nhân gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đầy hơi ợ hơi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, táo bón, hội chứng kích thích ruột, viêm ruột, trĩ…
Một trong những cách ngăn chặn hại khuẩn là bổ sung sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics trong thực đơn hàng ngày
Một số mẹo khiến bạn tránh xa các vấn đề về tiêu hóa
- Ăn ít đi: Không nên ăn nhiều vào mùa nóng. Thời điểm này, hệ tiêu hóa trở nên nhạy cảm, vì thế sẽ tốt hơn nếu bạn ăn ít đi. Hãy chia nhỏ bữa ăn và rút ngắn khoảng cách giữa các bữa trong ngày. Điều này giúp cho việc tiêu hóa trở nên dễ dàng hơn và không làm bạn bị đói. Ưu tiên ăn những loại rau xanh và hoa quả tươi để tránh tình trạng khó tiêu. Những thực phẩm này còn cung cấp nước cho cơ thể bạn.
- Uống nhiều hơn: Rất nhiều người mất cảm giác thèm ăn trong những ngày hè. Đó là do thời tiết cộng với những vấn đề tiêu hóa làm bạn không còn hứng thú ăn uống. Tuy nhiên, đừng quên uống nước. Đổ mồ hôi khiến bạn mất rất nhiều nước nên bổ sung nước là rất quan trọng. Nên liên tục uống các loại nước mát và nước trái cây để cơ thể khỏe mạnh và đầy sức sống.
- Hạn chế đồ ăn cay: Đồ ăn cay là nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày – một chứng bệnh phổ biến trong mùa hè. Vì thế, hãy loại bỏ các món ăn có vị cay ra khỏi thực đơn mùa hè. Hãy chọn đậu, củ sen hay cà rốt để xua tan hơi nóng và bảo vệ lá lách cũng như dạ dày.
- Ăn những loại rau củ quả mọng nước: Cà chua, táo, lê, dưa hấu, dưa chuột, khoai lang, bầu là những loại rau củ quả nên ăn khi trời nắng nóng.
- Sử dụng thảo mộc, gia vị hỗ trợ tiêu hóa: Để cải thiện tình trạng tiêu hóa, bạn có thể thêm vào các món ăn thảo mộc và gia vị như rau mùi, thìa là, gừng, mùi tây,...
Thực phẩm giúp chữa bệnh đường tiêu hóa
Chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng, thiếu chất xơ và các vitamin cần thiết sẽ khiến sức khỏe tổng thể của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa. Vì thế trong khẩu phẩn ăn hàng ngày, bạn nên sử dụng những thực phẩm đặc biệt có lợi cho bệnh đường tiêu hóa như:
- Gừng: chữa đầy hơi, khó tiêu, trướng bụng, co thắt dạ dày và buồn nôn.
- Bạc hà cay: tính làm mát của nó có thể giúp làm dịu xuống một số rối loạn dạ dày và thúc đẩy chữa bệnh đường tiêu hóa. Nó cũng có đặc tính chống viêm và khử trùng.
- Sữa chua: giảm tiêu chảy, táo bón. Do có hàm lượng probiotic cao, sữa chua là một trong những thực phẩm tốt nhất cho việc nâng cao hiệu quả và sức khỏe của hệ tiêu hóa, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Khoai lang: chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao. Do đó, nó là một lựa chọn tuyệt vời hệ tiêu hóa. Khoai lang được biết đến với khả năng chữa chứng viêm loét dạ dày, tá tràng và có thể giúp ngăn ngừa các gốc tự do.
- Quả bơ: rất giàu chất xơ và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh, rất tốt trong việc duy trì các chức năng tối ưu của đường tiêu hóa cũng như túi mật, tuyến tụy và gan. Nó cũng giúp chuyển đổi beta - carotene thành vitamin A rất cần thiết cho niêm mạc lót của toàn bộ đường tiêu hóa.
- Yến mạch: là một trong những nguồn tự nhiên tốt nhất của chất xơ, cũng như hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của cơ thể.
- Dầu gan cá tuyết: là một nguồn giàu các axit béo omega - 3 cũng như vitamin A và D làm giảm viêm đường tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Dầu gan cá tuyết đặc biệt có hiệu quả trong việc điều trị bệnh viêm ruột.
- Táo: có chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, sẽ giúp giảm nguy cơ táo bón và cũng là một nguồn giàu vitamin và khoáng chất để cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Mận khô: Trong mận khô có chứa chất oxy hoá và chất xơ giúp cho hệ tiêu hoá hoạt động một cách bình thường, giảm nguy cơ ung thư ruột kết, giảm cholesterol và lượng đường trong máu.
- Trái thơm (dứa): quả này có chứa nhiều chất xơ có tác dụng rất tốt trong với tiêu hoá, thúc đẩy sự hấp thụ protein của cơ thể. Khi có hiện tượng đầy hơi chướng bụng, cảm giác khó tiêu bạn có thể ăn vài miếng trái thơm hoặc nước ép của nó.
- Chuối: Hiện tượng tiêu chảy xảy ra làm mất cân bằng chất điện phân. Khi đó chuối trở thành loại trái cây giải cứu bạn vì chúng chứa nhiều kali cung cấp chất điện phân cho cơ thể. Hơn thế nữa, chuối còn có tác dụng hấp thụ các chất lỏng dư thừa trong bao tử khi tiêu chảy đồng thời khôi phục lại một số vi khuẩn có ích cho dạ dày. Chuối còn chứa một số chất làm giảm căng thẳng và mệt mỏi. Vì vậy mỗi khi bị rối loạn tiêu hoá hay tiêu chảy chuối trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
Tại Việt Nam, 70% dân số có nguy cơ mắc các bệnh về hệ tiêu hóa, gần 10% người dân đã mắc các bệnh dạ dày, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Hằng năm, 8.000 người tử vong vì ung thư dạ dày, con số với bệnh ung thư đại tràng là khoảng 6.000 người. Dẫu vậy, đa số người dân vẫn chủ quan với các bệnh tiêu hóa. Ngay khi có những dấu hiệu kêu cứu của hệ tiêu hóa, người dân nên đi khám để điều trị dứt điểm. Tốt hơn, mọi người nên bảo vệ đường ruột hằng ngày bằng việc ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, nhiều hoa quả, rau xanh, chất xơ,… |
Linh Vũ