Giải pháp để thị trường vốn bớt lệ thuộc tài sản bảo đảm
Bao lâu nay, tài sản bảo đảm được ví như “chiếc phao” trên thị trường vốn, trong đó có tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng việc lệ thuộc quá nhiều vào tài sản bảo đảm sẽ khiến cho thị trường vốn còi cọc. Bởi khi xã hội và nền kinh tế phát triển, sẽ càng có nhiều ngành nghề không có tài sản bảo đảm như công nghệ thông tin hay các ngành dịch vụ…
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nghiêm trọng của tổng cầu nên tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 chỉ xấp xỉ 7%, thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã thúc đẩy tổ chức khoảng 320 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Quan sát các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức ở những địa phương/vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, vấn đề nổi cộm được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất hiện nay là phải có tài sản bảo đảm mới được vay; hạn mức vay tín chấp cho doanh nghiệp rất thấp. Doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tín chấp không cần tài sản bảo đảm.
CÔNG CỤ HẠN CHẾ RỦI RO VÀ GIẢM LỆ THUỘC THẾ CHẤP
Ở khía cạnh người cho vay, các ngân hàng thương mại lo “thả gà ra đuổi” nếu cho vay mà không có tài sản bảo đảm. Phần lớn các ngân hàng lo ngại tính minh bạch trong tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hơn nữa, không chỉ ngân hàng mà thị trường vốn Việt Nam vẫn coi tài sản bảo đảm như chiếc phao cứu sinh. Khi nhắc tới trái phiếu không có tài sản bảo đảm, nhà đầu tư và dư luận không khỏi nghi ngại và e dè.
"Trong thực tế, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao".
Bà Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
Tại hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (“VNBA”) phối hợp với Công ty Cổ phần FiinRatings (“FiinRatings”) và S&P Global Ratings tổ chức ngày 25/10/2023, các chuyên gia cho rằng xếp hạng tín nhiệm là một trong những giải pháp giúp ngân hàng mở rộng đối tượng cho vay không có tài sản bảo đảm; giúp doanh nghiệp có thể phát hành “trái phiếu trơn” (không có tài sản bảo đảm); từ đó, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết trong ngành ngân hàng, bản thân các ngân hàng cũng phải đánh giá, thẩm định doanh nghiệp, khách hàng trước khi cấp tín dụng. Trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng cho vay lẫn nhau, mỗi ngân hàng cũng phải được xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm đó, các ngân hàng cho vay lẫn nhau tùy thuộc khẩu vị rủi ro của mỗi bên, với lãi suất tương ứng điểm xếp hạng tín nhiệm.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập đánh giá thì sẽ khách quan hơn. Hiện nay, các ngân hàng tự xây dựng những bộ tiêu chí đánh giá tín nhiệm dựa trên kinh nghiệm của mình, dẫn đến không thống nhất. Chỉ một vài ngân hàng lớn có thể thực hiện phân tích, xếp hạng tín nhiệm bài bản, nhưng có những ngân hàng chưa đủ nguồn lực để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu”, ông Hùng nói.
Hiện nay, việc cấp hạn mức tín dụng chủ yếu dựa vào báo cáo thẩm định của cán bộ tín dụng hay thông tin CIC (lịch sử tín dụng của khách hàng – PV); trong khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu minh bạch về tình hình hoạt động và sức khỏe tài chính nên ngân hàng ngần ngại; buộc phải “nắm đằng chuôi” là tài sản bảo đảm.
“Cần hướng tới chuyện minh bạch, khẳng định uy tín của mình với đối tác, với thị trường, với các bên cho vay thông qua xếp hạng tín nhiệm độc lập. Phải tìm các đơn vị xếp hạng tín nhiệm có uy tín. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam mới có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, như vậy vẫn rất ít…”, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng nói.
"Xếp hạng tín nhiệm được áp dụng sẽ góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý ở Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dựa trên chất lượng tín dụng thay vì theo nhóm ngành như hiện nay".
Ông Micheal Wu, Giám đốc cấp cao Bộ phận Định chế tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mizuho Bank.
Do đó, khi thị trường bị ràng buộc bởi tài sản bảo đảm sẽ tăng trưởng rất chậm. Để hài hòa phương trình quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn và tăng trưởng tín dụng, ông Hùng khuyến nghị các tổ chức tín dụng xem xét xếp hạng tín nhiệm đối với các khách hàng có dư nợ lớn hoặc là có nhu cầu vay vốn lớn để đầu tư…
Việc ngân hàng thương mại tăng cường sử dụng các kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập giúp thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm từ phía doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả về mặt hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại và giám sát hoạt động sau cho vay theo danh mục; bổ sung các tham chiếu về đánh giá trọng số rủi ro khi tính toán hệ số an toàn vốn.
Bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho rằng việc chuộng tài sản bảo đảm cũng phổ biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Ở Việt Nam, thị trường rất hay nói về trái phiếu có tài sản đảm bảo, trái phiếu có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng…Khi nói tới “trái phiếu trơn” (không tài sản đảm bảo) thì mọi người đang còn e ngại. Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nghề không có tài sản đảm bảo như công nghệ thông tin hay các ngành dịch vụ. Do đó, nếu xếp hạng tín nhiệm được bao phủ toàn thị trường thì có thể giúp thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung bớt lệ thuộc vào tài sản bảo đảm”, bà Ngân nhận định.
Những doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm có thể đi vay hoặc phát hành các công cụ nợ dựa vào uy tín được khẳng định thông qua lịch sử xếp hạng tín nhiệm.
Khi thu xếp vốn cho các khách hàng doanh nghiệp thì VCBS cũng mời rất nhiều bên bảo lãnh thanh toán tham gia. Câu hỏi đầu tiên của các bên bảo lãnh thanh toán là: Doanh nghiệp này đã có xếp hạng tín nhiệm chưa? Ai đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho họ? Năm sau doanh nghiệp có được nâng hạn mức tín nhiệm lên không? “Xếp hạng tín nhiệm là bộ lọc đầu tiên để họ cân nhắc bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp”, đại diện VCBS nhấn mạnh...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam