Giám đốc sáng tạo Balmain sẽ hợp tác với Jean Paul Gaultier như thế nào?
Nếu như cộng tác là hướng đi của ngành thời trang trong thập niên này thì dường như Jean Paul Gaultier đang là người có những chiến lược táo bạo và gây hào hứng nhất. Mùa mốt Haute Couture này, một lần nữa, người ta lại ngóng trông nhân vật hợp tác mà ông sẽ tiết lộ…
Đầu năm 2020, nhà thiết kế Jean Paul Gaultier đã tuyên bố sẽ nghỉ hưu và ra mắt bộ sưu tập cuối cùng của mình. Đó chính là bộ sưu tập Xuân - Hè 2020. Hai tháng sau, Gaultier đã thông báo trên Instagram rằng nhà mốt sẽ mời một nhà thiết kế khách mời cho mỗi mùa để truyền tải những thiết kế của Jean Paul Gaultier với thời trang Haute Couture. Chitose Abe, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của nhãn hiệu Nhật Bản Sacai, đồng thời là nhà thiết kế trước đây cho Comme de Garçon, là người đầu tiên bắt đầu sự hợp tác này.
Tiếp đến là sự hợp tác với Glenn Martens - giám đốc sáng tạo Y/Project. Và bây giờ là Olivier Rousteing, giám đốc sáng tạo của Balmain. Cái tên vừa được thông báo khiến ai cũng bất ngờ và nôn nóng xem những sản phẩm trong bộ sưu tập tiếp theo của Jean Paul Gaultier. Olivier Rousteing sẽ là người đảm nhiệm cho bộ sưu tập của Jean Paul Gaultier diễn ra vào tháng 7 tại Paris.
Olivier Rousteing đã chia sẻ: “Tôi luôn bị ám ảnh và được truyền cảm hứng bởi thế giới Jean Paul Gaultier”. Mặc dù, chỉ là một đứa trẻ từ lúc Jean Paul Gaultier gây được tiếng vang trong làng mốt nhưng sự chênh lệch tuổi tác không phải vấn đề đối với giám đốc sáng tạo của Balmain. Olivier tự hào nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã giúp nhiều người thế hệ của tôi cảm thấy tự tin trở thành người mà họ muốn trở thành, để chiến đấu cho những gì chúng ta đang chiến đấu ngày hôm nay”.
Olivier Rousteing sinh năm 1985, lớn lên ở Bordeaux (Pháp) và sau này chuyển đến Paris để theo học Trường Nghệ thuật và Kỹ thuật Thời trang (ESMOD). Sau khi tốt nghiệp năm 2003, Olivier Rousteing bắt đầu sự nghiệp bằng việc thiết kế cho thương hiệu Roberto Cavalli ở Italy. Tháng 4/2011, anh trở thành người đứng đầu thương hiệu Balmain nổi tiếng khi mới 25 tuổi.
Làm thế nào để tái tạo phong cách nhưng vẫn giữ được các nét truyền thống tiêu biểu cho một thương hiệu thời trang lâu đời. Đó là bài toán mà Olivier Rousteing phải tìm cho ra cách giải đáp. Làng thời trang quốc tế không thiếu gì những tài năng mới, đứng ở sân sau lấp ló chờ thời, nhưng để trụ lại ở vị trí điều hành các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng hàng đầu mới thật sự là chuyện khó. Khi được phong làm giám đốc nghệ thuật của Balmain, Olivier Rousteing đột nhiên trở thành người đứng đầu một thương hiệu đang ăn khách, và buộc phải đương đầu cùng lúc với nhiều thử thách.
Phá cách mà vẫn duy trì được cái cốt, truyền nối đường nét sáng tạo mà vẫn không làm giảm mức doanh thu: Olivier Rousteing từ năm 2013 đã nỗ lực làm việc theo hai mục tiêu này. Kể từ năm 2013, nhân mỗi dịp Tuần lễ Thời trang Paris, Olivier Rousteing đã làm khác và làm mới nhưng vẫn gợi hứng từ các bộ sưu tập kinh điển nhất của Balmain, để tạo ra phong cách chic mà vẫn ‘‘bụi đời’’, xa xỉ nằm trong tầm với.
Nổi tiếng là một người trầm tĩnh nhưng đầy cá tính, vóc dáng hiền hoà thơ ngây nhưng tư tưởng lại phá phách nghịch ngợm, Olivier Rousteing thích phá vỡ các thông lệ quy tắc, chuộng lối suy nghĩ trái chiều, ngoài luồng. Một khi đã hiểu những nét hài hoà cơ bản nhất trong phong cách của Balmain, Olivier Rousteing tha hồ mà biến tấu. Trong ngôn ngữ trang phục, đường nét thiết kế là cấu trúc, gam màu sắc là ngữ vựng, cách sắp đặt chi tiết chính là cú pháp. Tùy theo quan điểm cân đối hay bất tương xứng, phá cách hay tuân thủ khuôn thước, nhà thiết kế phải tìm cho ra một cú pháp riêng. Một điều mà Olivier Rousteing đã làm được cho dù anh còn non tuổi đời.
Dĩ nhiên là khi lên làm giám đốc nghệ thuật của hiệu thời trang Balmain, Olivier Rousteing cũng phải đứng mũi chịu sào và gặp phải những lời chê bai. Những lời chỉ trích thường thấy nhất vẫn là sự thiếu kinh nghiệm do anh lên đứng đầu một công ty thời trang nổi tiếng ở tuổi 25. Có ý kiến khác cũng cho rằng Balmain đã sa thải người tiền nhiệm để tuyển Olivier Rousteing lên làm giám đốc do anh "dễ bảo" hơn.
Những lời chỉ trích ấy, dường như Olivier Rousteing vẫn xem như là lẽ thường tình. Đổi lại, anh quan niệm rằng đối với một nhà thiết mới vào nghề, không có quá nhiều để mất mát thiệt thòi, thì áp lực không cao bằng các nhà thiết kế thâm niên, những người buộc phải bảo vệ và duy trì uy tín và chính điều đó mới ràng buộc tính sáng tạo của họ.
Năm ngoái, thương hiệu Jean-Paul Gaultier cũng đồng thời tuyên bố sẽ quay lại thị trường thời trang may sẵn (ready-to-wear). Nhà thiết kế gạo cội đã ngừng ra mắt dòng hàng ready-to-wear từ mùa Xuân Hè 2015. “Rất đơn giản: Mọi người muốn mặc Gaultier”. Giám đốc sáng tạo Florence Tétier đã nói về lý do thương hiệu trở lại với thị trường may đo sẵn.
Và cô không sai. Sự nổi tiếng của thương hiệu này gắn liền với phong cách thời trang của thập niên 1990. Nay, khi các xu hướng xưa cũ (retro) của thập niên này quay trở lại, người ta lại một lần nữa mê mệt các thiết kế của Jean-Paul Gaultier. Nữ giám đốc sáng tạo mới cũng có cách suy nghĩ độc lạ về cách đổi mới thương hiệu. Ngoài việc mang dòng sản phẩm may mặc sẵn trở lại, cô cũng kêu gọi 6 nhà thiết kế khác cộng tác cùng.
Có thể nói, dù là dòng hàng may sẵn hay bộ sưu tập Haute Couture thì “chiến lược” hợp tác với các thiết kế từ nhiều thương hiệu khác nhau sẽ đóng góp dấu ấn sáng tạo riêng lên các thiết kế của Jean Paul Gaultie.