06:00 13/09/2021

Giữa “giãn cách”: Gắn kết sản xuất – tiêu dùng nông sản

Chương Phượng

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, trong gian nan mới thấy được quyết tâm, nhiều doanh nghiệp vẫn có những cách làm hay để thích ứng và hoạt động hiệu quả...

Kết nối tiêu thụ nông sản.
Kết nối tiêu thụ nông sản.

Tại buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức mới đây, rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đăng đàn chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó trong thời gian giãn cách xã hội.  

NÔNG NGHIỆP THÍCH NGHI VỚI GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Từ kinh nghiệm của Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói “ mua chung, đi chợ hộ”…Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng theo xu hướng này.

Phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Sản phẩm nông sản không thiếu nhưng thiếu nguyên liệu phụ trợ cho nông sản hoàn chỉnh như một số nhà cung cấp thiếu bao bì, hỗ trợ đóng gói nông sản.

"Ngành nông nghiệp cần có sự liên kết để đảm bảo sản xuất thông suốt”, ông Đức chia sẻ, đồng thời cho biết thêm trong hơn một tháng qua, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, Saigon Co.op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản.

Một số hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, gói combo hàng hóa đã giúp doanh nghiệp cung cấp thêm hàng hóa đến bà con ở TP.HCM, Bình Dương.

Cam kết không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021, không thu lãi suất cho đến hết vụ Thu Đông, đồng thời sẽ cấp vật tư nông nghiệp cho hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã có đăng ký với doanh nghiệp là cách mà Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện để hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa gạo.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các tỉnh, đặc biệt là các điểm thông chốt, vận chuyển lúa gạo, Lộc Trời sẽ tài trợ kit test nhanh cho các tỉnh thu mua lúa tại các địa bàn.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thường xuyên xét nghiệm định kỳ cho đội ngũ vận chuyển của mình và đối tác để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tập đoàn Lộc Trời cho biết thêm, doanh nghiệp đã xây dựng được quy trình mua lúa không tiếp xúc, để đảm bảo người mua lúa, người bán lúa vẫn chốt được giá và đảm bảo thỏa thuận được giá. Đồng thời, cam kết số lượng và chất lượng gạo cho các công ty xuất khẩu và tiêu thụ nội địa kịp tiến độ.

Không chỉ doanh nghiệp nỗ lực, các địa phương cũng đã cố gắng tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta trụ sở ở tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh đã thực thi Chỉ thị 16/TTg theo cách riêng, lấy xã, phường làm phòng tuyến chống dịch.

Xã phường còn an toàn (vùng xanh) có thể đi lại tham gia sản xuất và hàng hoá lưu thông. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện nay, công ty đã đạt khoảng 80% công suất so với trước dịch.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông - thủy sản, ông Hoàng Văn Duy, Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp được hỗ trợ và kết nối với nhiều hợp tác xã, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đang có nguồn cung dồi dào về những sản phẩm doanh nghiệp cần.

Ông Duy mong muốn thời gian tới Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở NN-PTNT, hợp tác xã kết nối thêm với các cơ sở có năng lực, nguyên liệu đầu vào ổn định, nhằm đáp ứng sâu hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường.

LÚC HOẠN NẠN RẤT CẦN CHIA SẺ

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, Tổ công tác đã hình thành gần 1.500 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản dù mới thành lập từ ngày 31/8, nhưng đã ký kết bốn hợp đồng với các đơn vị: Tập đoàn Central Retail, chợ đầu mối Thủ Đức, Saigon Co.op, Công ty Viet Travel để làm trụ cột phát triển nông sản.

Ngoài bốn hợp đồng này, một số đơn vị như Lazada, Chợ tốt đã liên hệ và cam kết đóng góp nền tảng số, công nghệ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ hợp tác xã về TP.HCM. Đến nay, trang web của Diễn đàn là https://htx.cooplink.com.vn đã có hàng nghìn lượt đăng ký mua và bán nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng trong tình hình giãn cách xã hội hiện nay, nếu các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ thì người nông dân sẽ cảm thấy lúc nào cũng được doanh nghiệp đồng hành. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, chủ động, trách nhiệm thêm với cộng đồng, với người nông dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhấn mạnh thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn một bước nữa, bởi trước hết là gỡ khó khăn cho chính mình. Đây cũng chính là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Hoan, lúc hoạn nạn, khó khăn có người cùng chia sẻ, để người nông dân thấy rằng dù đang khó khăn nhưng các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia gỡ khó, để cùng hiểu khó khăn chung và bớt đi gánh nặng về tâm lý trong bối cảnh giá lúa đang xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và tái sản xuất của chính người nông dân.

 
 
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group
Ngay từ những ngày đầu giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy phải có trách trong việc đóng góp, hỗ trợ nông dân trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi hỗ trợ theo hai cách.
Cách thứ nhất, chúng tôi phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ hàng chục nghìn gói combo nông sản đến những người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Cách thứ hai, chúng tôi có 13 điểm siêu thị tại ba tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Do đó, chúng tôi hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân để gom các đơn hàng và tổ chức giao hàng hoá phục vụ người dân trong thời gian nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt.
 
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đang khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp liên kết nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng với nhau.
Chúng tôi khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể. Từ đó, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có bộ khung quy tắc này. Tiếp đến, cần chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại. Đồng thời cần hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở.