Google Shopping cho phép mua trang phục H&M, Loft… trên mô hình người thật
Là một phần của bản cập nhật Google Shopping mới nhất, công cụ mặc thử trang phục ảo mới của nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) nhằm mục đích cho khách hàng nhìn thấy quần áo sẽ trông như thế nào khi được mặc lên người...
Google đã trích dẫn một nghiên cứu của công ty cho thấy 42% khách hàng mua sắm online cảm thấy ảnh mẫu mặc không giúp họ hình dung ra món đồ đó ra sao nếu trên cơ thể họ. Ngoài ra, có 59% người tiêu dùng không hài lòng khi nhận hàng trực tuyến vì chúng khác với mong đợi. Với tính năng này, Generative AI sẽ lấy hình ảnh của quần áo rồi ướm thử lên người mẫu, đồng thời cố gắng dự đoán quần áo sẽ được hiển thị như thế nào trong từng tư thế khác nhau, mô phỏng đúng cả các nếp gấp, khoảng hở do di chuyển, bóng đổ...
Tính năng này được thực hiện nhờ TryOnDiffusion, một AI tạo sinh mà các nhà nghiên cứu của Google đã đào tạo để có thể phân tích hình ảnh của một mặt hàng quần áo và sau đó dự đoán nó sẽ trông như thế nào trên một loạt các mô hình thực, ở nhiều tư thế khác nhau. Động lực đằng sau tính năng thử đồ mới là muốn khách hàng có thể tự tin hơn khi mua sắm online.
Trong một bài blog, bà Lilian Rincon, giám đốc cấp cao về sản phẩm mua sắm của Google, nhận định rằng khi mua ở ngoài cửa hàng, người dùng có thể thử trực tiếp quần áo và biết được mình có phù hợp với chúng hay không. Thế nhưng nếu mua online thì lại khác và công nghệ thử đồ ảo ra đời nhằm mục đích khắc phục những thiếu sót này.
Theo TechCrunch, người mua hàng sẽ có thể sử dụng tính năng này thông qua nút “Dùng thử” mới trên Google Tìm kiếm. Công ty đã sử dụng một loạt các người mẫu với nhiều kích cỡ khác nhau từ XXS - 4XL, các hình dạng cơ thể khác nhau và với các màu da và loại tóc khác nhau. Bạn có thể cuộn qua dãy hình ảnh và chọn các loại cơ thể hoặc tông màu da khác nhau và xem cách quần áo có thể mặc lên cơ thể. Khi bạn tìm thấy mô hình gần giống với mình nhất, bạn có thể lưu chúng làm mô hình mặc định của mình.
Tính năng này hiện chỉ có ở Hoa Kỳ dành cho áo sơ mi nữ và các thương hiệu sử dụng tính năng này bao gồm Anthropologie, Everlane, H&M và Loft. Trang phục nam và các mặt hàng quần áo khác sẽ được thêm vào danh sách vào cuối năm nay.
Theo tờ Wired, mọi phụ nữ thực tế đều khao khát tủ quần áo của Cher trong bộ phim Clueless năm 1995 — một công cụ có thể phủ quần áo lên cơ thể của chính cô ấy và cho thấy chính xác nó trông như thế nào khi cô ấy mặc vào. Mặc dù công cụ mới của Google hiện mới chỉ khả dụng cho áo của phụ nữ, nhưng ứng dụng giới hạn này có thể là mô hình tốt nhất để mua sắm với AI cho đến nay, nhất là với mua sắm trực tuyến.
Ngành công nghiệp thời trang đã thay đổi kể từ thời những người mẫu xa xỉ siêu gầy của những năm 90, nhưng vẫn hiếm khi thấy những người mẫu trông giống bạn – hay giống những người bình thường đang đi dạo trên phố. Chiều dài cơ thể thường làm cho một chiếc váy ngắn hơn vài centimet so với quảng cáo; còn tỷ lệ và cấu trúc cơ thể khác nhau giữa người thường và người mẫu thì khiến việc tìm kiếm những chiếc quần jean vừa vặn với chân, đùi và mông là một điều không tưởng. Không chỉ không thể đánh giá chất lượng của vải, người mẫu còn có thể tạo dáng hoặc ghim trang phục ở phía sau lưng, làm cho sản phẩm trông hoàn toàn khác so với ngoài đời thực.
Dĩ nhiên Google không phải là bên tiên phong cho công cụ mặc thử đồ ảo. Amazon và Adobe từng thử nghiệm mô hình trang phục tạo sinh. Hoặc Walmart từ cuối năm trước cũng ra mắt tính năng trực tuyến dùng hình ảnh của khách hàng để ướm thử lên quần áo. Tuy nhiên, tính năng của Walmart trông giống như chỉ ướm bộ quần áo lên cơ thể, mà không biểu thị tình trạng trang phục với các tư thế khác nhau - tất cả các người mẫu đều nhìn thẳng về phía trước với hai cánh tay buông thõng xuống hai bên. Mới đây, startup Aimirr cũng đã tiến xa thêm một bước, sử dụng công nghệ kiến tạo trang phục theo thời gian thực để phủ hình ảnh về quần áo lên video trực tiếp của người dùng.
Bản thân Google trước đây cũng có công nghệ dùng thử sản phẩm trang điểm ảo. Theo đó, họ hợp tác với các thương hiệu như L’Oréal, Estée Lauder, MAC Cosmetics, Black Opal và Charlotte Tilbury và cho phép người dùng có thể thử nhiều mỹ phẩm trên nhiều tông da khác nhau. Nhưng lần này, các mẫu dành cho Google Shopping không do AI tạo ra, mà AI chỉ đơn giản được sử dụng để định hình quần áo xung quanh hình ảnh của những người mẫu để đem đến những hình dung chân thực.
Ngoài tính năng thử đồ ảo, trong đợt cập nhật lần này, Google còn tung ra tính năng bộ lọc dựa vào AI và thuật toán so khớp trực quan. Khi đó, người dùng có thể giới hạn phạm vi tìm kiếm trên các cửa hàng của Google Shopping bằng cách cài đặt những thông tin đầu vào.
Công ty cho biết: “Các sàng lọc có hướng dẫn mới của chúng tôi có thể giúp người mua sắm ở Hoa Kỳ lựa chọn sản phẩm cho đến khi bạn tìm thấy sản phẩm hoàn hảo. Nhờ công nghệ máy học và các thuật toán mới, bạn có thể mua sắm thuận tiện hơn bằng cách sử dụng các từ khóa miêu tả yếu tố đầu vào như màu sắc, kiểu và mẫu. Và không giống như mua sắm tại một cửa hàng, bạn không bị giới hạn ở một nhà bán lẻ”.
Hồi tháng 5 năm nay, tại sự kiện Google Marketing Live, gã khổng lồ công nghệ cũng đã thông báo ra mắt Product Studio, một công cụ mới cho phép người bán dễ dàng tạo hình ảnh sản phẩm bằng AI tạo sinh. Google cho biết Product Studio giúp người bán tạo hình ảnh sản phẩm miễn phí và tối ưu hoá giá trị từ những hình ảnh đã có trước đây. Bạn có thể tạo hình ảnh mới mà không phải tốn thêm chi phí chụp ảnh. Ví dụ, một công ty chăm sóc da có thể làm nổi bật phiên bản theo mùa của sản phẩm bằng cách mô tả hình ảnh “được bao quanh bởi những quả đào, với nền là cây vùng nhiệt đới”.
Trong một cuộc họp báo với các phóng viên, Matt Madrigal, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Giám đốc Merchant Shopping của Google – cho biết công nghệ tiên tiến như AI đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm của Google Shopping trong một thời gian dài và Product Studio sẽ trực tiếp mang những công nghệ này đến với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.