16:56 17/03/2014

Hạ lãi suất điều hành, tác động sẽ thế nào?

Minh Đức

“Lãi suất không phải là thủ phạm đứng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ”

Trả lời VnEconomy về những tác động có thể có về lần cắt giảm các lãi 
suất điều hành này đối với các kênh đầu tư khác liên quan, Phó thống đốc
 Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, chủ trì buổi họp báo, cho rằng, về
 lý thuyết, ở một thị trường hoàn hảo và có các chính sách điều hành 
linh hoạt, lãi suất giảm thì các thị trường như chứng khoán, bất động 
sản… sẽ hưởng lợi.
Trả lời VnEconomy về những tác động có thể có về lần cắt giảm các lãi suất điều hành này đối với các kênh đầu tư khác liên quan, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, chủ trì buổi họp báo, cho rằng, về lý thuyết, ở một thị trường hoàn hảo và có các chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất giảm thì các thị trường như chứng khoán, bất động sản… sẽ hưởng lợi.
Chiều 17/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3. Trọng tâm của cuộc họp là công bố và thông tin về quyết định giảm các lãi suất điều hành.

Ngân hàng không ngại hụt vốn

Ngay từ đầu giờ sáng nay, trước sự kiện trên, trong một cuộc trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nêu một số điểm mà ông quan tâm đến lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 9 tháng qua.

Thứ nhất, việc cắt giảm các lãi suất điều hành theo ông Hưởng là hợp lý với các diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng 3 tháng đầu năm.

Thứ hai, ông Hưởng nhận định, trong thời gian tới nếu lạm phát thấp, trần lãi suất huy động ngắn hạn thấm chí còn có thể giảm thêm nữa.

Thứ ba, hạ trần lãi suất huy động xuống thấp, người gửi có rút vốn ra đầu tư vào các kênh khác, như chứng khoán, vàng, bất động sản…?

Về tình huống trên, ông Hưởng cho rằng sẽ có tác động đến sự dịch chuyển đó, nhưng không nhiều, vì lãi suất chỉ hạ ở các kỳ hạn dưới 6 tháng; các kỳ hạn dài hơn vẫn được thỏa thuận và hấp dẫn.

“Cơ cấu của lãi suất huy động với các kỳ hạn hiện nay là hợp lý. Bởi vì nó kích thích dòng tiền gửi tập trung ở các kỳ hạn dài hơn với lãi suất cao hơn. Điều này là rất cần thiết cho các ngân hàng thương mại trong cân đối vốn”, ông Hưởng giải thích.

Tại cuộc họp báo chiều nay, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng đưa ra quan điểm tương tự. Vị đại diện này nhấn mạnh đến giá trị của sự dịch chuyển cơ cấu dòng tiền gửi, từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn dài, thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong sử dụng vốn.

Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, trong một tháng qua, người dân cũng “nhạy” với khả năng sẽ giảm trần lãi suất huy động, nhiều người đã chuyển qua gửi các kỳ hạn dài và nguồn vốn này tăng rõ nét.

“Hiện nay tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng, nên việc hạ trần lãi suất huy động là hợp lý để các ngân hàng tạo sự cân bằng, cũng như góp phần giảm lãi suất cho vay và kích thích thêm tăng trưởng tín dụng. BIDV chúng tôi đang tạo điều kiện để các chi nhánh có thể giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn theo xu hướng đó”, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết.

Trả lời VnEconomy về những tác động có thể có về lần cắt giảm các lãi suất điều hành này đối với các kênh đầu tư khác liên quan, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, chủ trì buổi họp báo, cho rằng, về lý thuyết, ở một thị trường hoàn hảo và có các chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất giảm thì các thị trường như chứng khoán, bất động sản… sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam và bối cảnh lần cắt giảm này, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét các tác động trước khi quyết định, phản ứng sẽ không lớn.

Có quan hệ mật thiết, việc giảm lãi suất lần này dự báo cũng sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá USD/VND. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ trần lãi suất huy động USD đối với dân cư.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, do doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi. Lượng tiền cung ứng đưa ra khá lớn, nhưng đã được trung hòa tác động đối với lạm phát, chủ yếu qua kênh tín phiếu.

Tín dụng thấp, lãi suất không phải là thủ phạm

Cũng tại buổi họp báo, ý kiến từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và từ lãnh đạo ngân hàng thương mại đều cho rằng, giảm các lãi suất điều hành cũng là yếu tố góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất không phải là yếu tố quyết định.

Cập nhật tình hình, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 13/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn -1,5%, nhưng nếu tính từ đầu tháng 3 thì đã tăng trưởng trở lại với khoảng 0,12%.

Ngay sau cuộc họp báo, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đã có bản báo cáo với những bình luận đáng chú ý về việc Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành, tác động đối với tín dụng.

“Các điều kiện cấp vốn tiền đồng rẻ cho thấy lãi suất không phải là thủ phạm đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ của Việt Nam”, báo cáo của HSBC đưa ra nhận định.

Theo HSBC, động thái giảm lãi suất cho thấy mục đích của Ngân hàng Nhà nước là nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng bản thân lãi suất không phải là vấn đề, vì lãi suất đã được đưa về khung hợp lý và tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa.

“Vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu mà phần lớn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Với lạm phát tăng trong vài tháng tới, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có thêm đợt cắt giảm nào nữa”, HSBC nêu quan điểm.

Báo cáo trên lý giải, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại vẫn âm cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn đóng băng trừ khi những cải cách thực sự quan trọng được tiến hành để giải quyết vấn đề nợ xấu. Nguồn vốn tiền đồng dư thừa trong hệ thống phản ánh nhu cầu vay thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế đang bị bủa vây.

Nhưng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế. Và trong bối cảnh lãi suất cho vay qua đêm hiện tại ở mức 1,3% và lãi suất thị trường mở OMO ở mức 5,5% (nhiều khả năng giảm xuống 5% vào ngày mai), các điều kiện cấp vốn tiền đồng rẻ cho thấy lãi suất không phải là thủ phạm đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ của Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng cắt giảm lãi suất sẽ không có ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng cho vay. Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được”, HSBC dự báo.