16:13 24/05/2022

Hà Nội sẽ chi 61,6 tỷ đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau đại học

Thanh Xuân

Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 272,3 tỷ đồng, riêng đào tạo sau đại học dự kiến: 61,6 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối tượng được hưởng lợi là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức thành phố, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển, có phẩm chất, đạo đức và trình độ chuyên môn cao, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, quản lý phát triển đô thị và nông thôn đối với đội ngũ công chức; nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị đơn vị và chuyên môn nghiệp vụ gắn với chuyển đổi số đối với đội ngũ viên chức nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững định hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Tổng số học viên được đào tạo là 9.430 người. Trong đó về bồi dưỡng công chức các sở, ngành; UBND cấp huyện là 3.970 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chức cấp xã 2.100 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị đơn vị cho viên chức lãnh đạo quản lý là 3.090 học viên; đào tạo sau đại học 270 học viên.

Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học thì nguồn kinh phí dự kiến: 61,6 tỷ đồng bao gồm đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí: 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước: 52 tỷ đồng.

Đáng chú ý đối với việc đào tạo sau đại học, đề án nêu rõ: TP. Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người: 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ thuộc các chuyên ngành đào tạo tài chính, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, quản lý công, chính sách công, biến đổi khí hậu, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Ngoài ra thành phố cũng cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người gồm 40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, biến đổi khí hậu, quản lý công, chính sách công, các chuyên ngành về luật, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường, xây dựng, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Cụ thể đối với 5 trường hợp cử đi đào tạo thành tiến sĩ tại các nước tiên tiến trên thế giới sẽ có 1 trường hợp đi năm 2023; 2 trường hợp đi năm 2024; 2 trường hợp đi năm 2025. Dự kiến tổng chi phí đào tạo cho 5 trường hợp đi học tiến sĩ ở nước ngoài khoảng 4 tỷ đồng. Còn 25 trường hợp được cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài dự kiến hết khoảng 5,6 tỷ đồng.

Với 40 trường hợp cử đi đào tạo thành tiến sĩ ở trong nước: năm 2022 có 5 trường hợp; năm 2023 có 10 trường hợp; năm 2024 có 15 trường hợp; năm 2025 có 10 trường hợp. Tổng chi phí dự kiến đào tạo 40 tiến sĩ này khoảng 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó dự kiến đào tạo 200 thạc sĩ, chi phí khoảng 40 tỷ đồng.

Thực hiện đề án này, theo UBND thành phố đến năm 2025 sẽ phấn đấu bồi dưỡng hình thành đội ngũ chuyên gia; 100% công chức thuộc các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã còn ít nhất 3 năm công tác được bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ.

100% chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về chính quyền đô thị, quản lý phát triển đô thị, môi trường đô thị và xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số trong quản lý đất đai; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước trong quản lý đất đai, nông thôn, quản lý quy hoạch, môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số.