Hà Nội: Trên 58.000 phương tiện trốn truyền dữ liệu, nhiều lái xe vượt thời gian cho phép
Số liệu do Sở Giao thông vận tải Hà Nội cung cấp cho thấy trong tháng 11/2023, trên địa bàn thành phố có 58.021 phương tiện kinh doanh vận không truyền dữ liệu giám sát hành trình; đồng thời, lái xe của 47.668 phương tiện vận tải vi phạm thời gian làm việc...
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 845/SGTVT-QLVT về việc phối hợp, thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thông qua hệ thống giám sát hành trình (Văn bản 621/CĐBVN-QLVT,PT&NL ngày 29/01/2024 của Cục Đường bộ Việt Nam).
LOẠT ĐƠN VỊ VI PHẠM
Văn bản nêu rõ qua theo dõi, trên địa bàn thành phố còn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là bộ phận quản lý và theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị vận tải dẫn đến tình trạng vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.
Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành văn bản để yêu cầu rà soát, kiểm tra dữ liệu vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, vi phạm về truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ được khai thác từ Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.
"Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành đôn đốc, xử lý vi phạm và gửi báo cáo về Sở Giao thông vận tải Hà Nội theo yêu cầu, còn một số đơn vị chưa thực hiện việc báo cáo được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổng hợp, công bố trên hệ thống".
Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Số liệu do Sở Giao thông vận tải Hà Nội cung cấp cho thấy trên địa bàn thành phố có 58.021 phương tiện kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu giám sát hành trình 10 ngày liên tiếp trong tháng 11/2023. Trong đó, có rất nhiều phương tiện không truyền dữ liệu liên tục trong 30 ngày và có những doanh nghiệp có đến hàng trăm phương tiện vi phạm.
Cụ thể, Hợp tác xã Giao thông Vận tải Toàn cầu có 153 phương tiện vi phạm, chi nhánh Hà Nội - Hợp tác xã Vận tải Thành Đô có 58 phương tiện vi phạm, Chi nhánh I Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại Hà Nội có 83 phương tiện vi phạm…
Cũng trong khoảng thời gian này, tại Hà Nội có 47.668 phương tiện vận tải vi phạm thời gian làm việc. Theo quy định tại điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008, thời gian làm việc của tài xế ôtô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Khi lái xe sau mỗi 4 giờ, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút.
Thế nhưng, nhiều lái xe vi phạm khi điều khiển phương tiện vận tải liên tục quá 4 giờ, làm việc quá 10 giờ một ngày. Chẳng hạn, một lái xe của Công ty Thương mại dịch vụ và Vận tải Quốc Tuấn vi phạm 61 lần lái xe liên tục quá 4 giờ trong suốt 1 tháng; hay lái xe của Tổng công ty vận tải Hà Nội - Công ty mẹ vi phạm 50 lần lái xe liên tục quá 4 giờ và 5 lần lái xe quá 10 giờ/ngày trong 29 ngày của tháng 11/2023…
XỬ NGHIÊM VI PHẠM, KHÔNG CẤP LẠI PHÙ HIỆU
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng cho người dân sử dụng dịch vụ vận tải, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đề nghị Công an và Sở Giao thông vận tải các tỉnh/thành phố, Sở Giao thông vận tải-xây dựng Lào Cai phối hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, vi phạm tốc độ, không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định.
Sau đó, gửi kết quả xử lý vi phạm về Sở Giao thông vận tải Hà Nội qua Phòng Quản lý vận tải để phối hợp quản lý.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó, tập trung công tác đôn đốc quản lý lái xe, bộ phận an toàn giao thông thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, chấp hành các quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô đã bị xử lý vi phạm.
Tổng hợp, gửi báo cáo bằng văn bản về Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội qua Phòng Quản lý vận tải việc thực hiện các nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông dẫn đến tình trạng vi phạm tại đơn vị về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng giao Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm (nếu có) của các đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở Giao thông vận tải Hà Nội; vi phạm của bộ phận (cán bộ) quản lý và theo dõi an toàn giao thông tại đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không hoạt động, hoạt động không đầy đủ (nếu có) quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải.
“Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở kết quả xử lý vi phạm đối với từng hành vi vi phạm: truyền dữ liệu, thời gian làm việc, không chấp hành quyết định cơ quan quản lý nhà nước và các phát sinh có liên quan”, Sở Giao thông vận tải Hà Nội nêu rõ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng giao Phòng Quản lý vận tải tạm thời chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải (i) vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu; (ii) vi phạm về truyền dữ liệu, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe mà không thực hiện chấn chỉnh và không gửi báo cáo về việc chấn chỉnh bộ phận theo dõi an toàn giao thông cho đến khi đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải và các nội dung chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.