Hai cổ đông lớn được gì ở Vietcombank?
Tại Đại hội đồng cổ đông Vietcombank cuối tuần trước, giới tài chính khá quan tâm đến kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 47 nghìn tỷ đồng lên khoảng 83 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng gần 76,6%, chủ yếu từ lợi nhuận giữ lại. Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ, tại sao “ông lớn” này không đòi hàng chục nghìn tỷ về ngân sách mà chấp nhận cho Vietcombank tăng vốn?
Theo tinh thần tại đại hội, Vietcombank dự định tăng vốn từ 3 cấu phần. Cấu phần thứ nhất, trả cổ tức bằng cổ phiếu của năm 2020, tương ứng tỷ lệ 18,1%. Cấu phần này đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/03/2023. Hiện tại, ngân hàng này đang rốt ráo để có thể triển khai vào tháng 5 – 6/2023.
TĂNG SỨC MẠNH CHO "ÁT CHỦ BÀI"
Cấu phần thứ hai là từ trả cổ tức của năm 2021 và sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận giữ lại của 2018 trở về trước. Phần này tương đương 27 nghìn tỷ, chiếm trên 57,4% của mức vốn điều lệ hiện tại là 47 nghìn tỷ đồng. Trong cấu phần này, do phần của Nhà nước chiếm trên 10 nghìn tỷ đồng nên phải trình lên Quốc hội phê duyệt. Hiện tại, Vietcombank đã hoàn tất thủ tục để Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến các đơn vị liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên VnEconomy, nếu nhanh cũng phải chờ Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 và việc tăng vốn có thể bắt đầu vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Cấu phần thứ 3 là phát hành riêng lẻ với mức 6,5% của vốn Nhà nước, tính đến thời điểm chính thức phát hành.
Cộng cả 3 cấu phần trên, tổng giá trị vốn điều lệ của ngân hàng kỳ vọng lên tới 83 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất hệ thống tổ chức tín dụng. Tại thời điểm đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn giữ vị trí chi phối nhưng giảm xuống khoảng 70% sau khi phát hành riêng lẻ 6,5%.
Cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đại diện vốn Nhà nước), nắm giữ 74,8% vốn điều lệ; cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% và các cổ đông khác (bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài) nắm giữ 10,2% còn lại.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đại diện vốn Nhà nước tại Vietcombank), nắm giữ 74,8% vốn điều lệ; cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ; các cổ đông khác (bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài) nắm giữ 10,2% vốn điều lệ ngân hàng.
Theo dõi tiến trình tăng vốn pháp định của các tổ chức tín dụng hiện nay cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio) ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối đang bị hụt hơi so với không ít ngân hàng 100% tư nhân và so với các ngân hàng nước ngoài thì còn thấp hơn nữa. Hệ số CAR là tỷ lệ vốn của ngân hàng so với tài sản có trọng số rủi ro và nợ ngắn hạn của ngân hàng, được thực hiện theo Thông tư số 41 năm 2016, tương đương chuẩn mực quốc tế Basel II, tối thiểu là 8%.
Với Vietcombank, hệ số CAR hiện tại là trên 9,95%. Mặc dù cao hơn gần 2% so với mức tối thiểu 8% nhưng thấp hơn một số ngân hàng cổ phần vốn tư nhân chi phối. Còn tính bình quân theo nhóm thì hệ số CAR nhóm ngân hàng Nhà nước chi phối vốn đang ở mức thấp nhất. Vietcombank đang đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 11% vào năm 2025. Thực ra, mục tiêu này cũng không quá cao xa vì chỉ thực hiện theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Tại đó, mục tiêu hệ số CAR đối với hệ thống ngân hàng đến 2023 tối thiểu là 10% - 11% và 2025 là 11% - 12%.
Một chuyên gia phân tích, khi hệ số CAR tăng thì trước hết, tăng khả năng chống chọi với rủi ro thị trường, đặc biệt là trước các cú sốc thẩm thấu từ thị trường tài chính quốc tế như thời gian vừa qua.
Thứ hai, khi tăng hệ số CAR thì mới có cơ sở tăng tổng tài sản, tăng cho vay, bởi lẽ, nguồn thu nhập ở các ngân hàng hiện nay vẫn tập trung chủ yếu ở tín dụng. Chưa kể, trong bối cảnh các kênh vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình trệ như hiện nay, gần như mọi nhu cầu vốn khu vực tư nhân đều tập trung vào hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, Vietcombank cùng BIDV, VietinBank, Agribank được xác định là “cánh tay nối dài” trong thực thi chính sách tiền tệ, ổn định thị trường tài chính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Rất nhiều ngân hàng cứ đầu giờ sáng là phải theo dõi bảng giao dịch lãi suất của các ngân hàng này, đặc biệt là Vietcombank để quyết định mức giá mua/bán vốn trên thị trường, không chỉ với VND mà cả với ngoại tệ.
Đây là những lý do để Nhà nước chấp nhận hụt thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để tăng sức mạnh cho công cụ nối dài thực hiện các mục tiêu trọng yếu.
ĐẦU TƯ VÀO NƠI "ĐÁNG ĐỒNG TIỀN BÁT GẠO"
Việc Nhà chấp nhận hụt thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để Vietcombank tăng vốn không chỉ ở các lý do như nêu trên mà còn ở một lý do khác đó đầu tư vốn vào địa chỉ “quán quân lợi nhuận” của hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo tài liệu được công bố tại Đại hội cổ đông cuối tuần trước, năm 2022 so với 2021, tổng tài sản ngân hàng lên tới 1.813.815 tỷ đồng, tăng 28%, tương đương 119% kế hoạch năm; dư nợ tín dụng đạt 1.156.148 tỷ đồng, tăng 19% trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao; tổng huy động vốn đạt 1.257.806 tỷ đồng, tăng 9%, đạt 100% kế hoạch.
Tổng số nhân lực hiện nay của Vietcombank khoảng 22 nghìn người, tính bình quân năm 2022, mỗi nhân lực làm ra 1,7 tỷ đồng lợi nhuận.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 37.368 tỷ đồng, tăng 36%, vượt kế hoạch năm 2022 so với mức 12% do Đại hội đồng cổ đông giao. Quy mô vốn hóa thị trường của ngân hàng lên tới 16,5 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam, lọt vào nhóm 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Tổng số nhân lực hiện nay của Vietcombank khoảng 22 nghìn người, tính bình quân năm 2022, mỗi nhân lực làm ra 1,7 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này mang tính tham khảo vì muốn tính đúng đủ còn phải trừ đi phần thu nhập và các chế độ khác mà ngân hàng chi trả cho người người lao động.
Một điểm khác cũng cần phải đề cập là quản trị rủi ro. Số liệu cho thấy, mặc dù con số lợi nhuận ở mức khủng nhưng tỷ lệ nợ xấu là 0,68%, dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 317%, có nghĩa, cứ 1 đồng nợ xấu thì ngân hàng có 3,17 đồng dự phòng bao phủ, cao nhất ngành ngân hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ, họ dự định tham gia hội đồng tín dụng để kiểm soát rủi ro. Đây là câu chuyện hết sức bình thường khi họ đầu tư một lượng vốn rất lớn vào Vietcombank. Tuy nhiên sau đó, cổ đông này thấy Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập thực hiện rất đúng định kỳ kiểm toán; trong khi sổ sách tài chính và tính tuân thủ minh bạch nên họ thấy không cần thiết tham gia hội đồng tín dụng.