21:07 26/05/2017

Hai cựu Thống đốc chung quan điểm về giới hạn xử lý nợ xấu

Nguyên Vũ

“Thời tôi làm Thống đốc, dư nợ toàn hệ thống chỉ khoảng 2,3 triệu tỷ, giờ dư nợ gấp 2,5 lần”

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - từng là người tiền nhiệm của ông Nguyễn Văn Bình - tham gia thảo luận tại tổ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - từng là người tiền nhiệm của ông Nguyễn Văn Bình - tham gia thảo luận tại tổ.
Như VnEconomy đã thông tin, chiều 26/5 trong phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phát biểu một số vấn đề, trong đó có thời điểm xác định các khoản nợ xấu.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu được xử lý trong phạm vi của nghị quyết là đến ngày 31/12/2016 (tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý  được là 5,8%).

Còn đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu (chiếm 4,26%) chủ yếu là các khoản nợ đã được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong khoảng thời gian 2011 - 2015, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước tiến hành các biện pháp cần thiết để rà soát và chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thu hồi nợ, trường hợp các khoản nợ trên chuyển thành nợ xấu thì cho phép áp dụng nghị quyết này để xử lý nợ xấu.

Cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỏ ra ngạc nhiên với quan điểm này, vì theo ông: “Nợ xấu nào chả là nợ xấu? Hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?”.

Ở một tổ thảo luận khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - từng là người tiền nhiệm của ông Nguyễn Văn Bình - cũng có chung quan điểm.

Nợ xấu là mặt trái của hoạt động ngân hàng, giống như anh buôn bán có hàng tồn kho, có hư hỏng, nên nếu nghị quyết chỉ áp dụng cho xử lý nợ cũ mà không áp dụng với nợ mới thì khập khiễng, ông Giàu phát biểu.

Bày tỏ việc “xa nghề đã hơn 6 năm”, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đề nghị các đại biểu cần nhìn nợ xấu toàn diện hơn.

Bởi, “thế giới cũng vậy, nợ xấu phát sinh trước hết do môi trường kinh tế, đặc biệt khi suy thoái; thứ hai là môi trường pháp luật và thứ ba có phần chủ quan trong hệ thống, chứ không nhất thiết chỉ có yếu tố chủ quan”.

Ông Giàu nói tiếp: “Thời tôi làm Thống đốc, dư nợ toàn hệ thống chỉ khoảng 2,3 triệu tỷ, giờ dư nợ gấp 2,5 lần. Khi quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại lớn hơn, thời anh Dũng (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - PV) làm Thống đốc đã đưa ra sáng kiến áp dụng thông lệ như các nước là phân loại nợ thành các nhóm, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Đến 2005 mới có Quyết định 493, hình thành được phân loại nhóm nợ”.

Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo về việc được chuyển nhượng nợ xấu theo giá thị trường, trong đó vừa cho phép đấu giá công khai, vừa cho phép bán theo giá thỏa thuận, khiến nhiều đại biểu lo ngại việc lợi dụng trục lợi, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: về nguyên tắc, Bộ Chính trị đã đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý, chỉ làm thế nào để đừng xảy ra tiêu cực. Đây là vấn đề cốt lõi.

Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết đã có nghị quyết liên tịch cách đây 17 năm để siết tài sản đảm bảo, nhưng giờ đã không còn phù hợp do vướng phải những bộ luật có hiệu lực cao hơn như Bộ Luật Dân sự.

“Cho vay, thu hồi nợ là quyền của tổ chức tín dụng - ở nước ngoài như vậy, nhưng nước ta thì không được. Anh Hưng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng - PV) đề xuất điều chỉnh luật để trả lại quyền của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực này. Thứ nữa là về điều 12 - quyền ưu tiên xử lý nợ, đặc biệt khi nhiều chủ nợ mà chỉ có một món tài sản, theo Luật Phá sản thì ưu tiên đối tượng khác, còn nghị quyết này thì ngân hàng được thu hồi trước”, ông nói.

“Theo tôi, đúng như các anh băn khoăn, chúng ta phải chặt chẽ để đảm bảo khả thi khi đưa vào áp dụng, để giải phóng được nguồn lực này mà không phát sinh hậu quả pháp lý và hậu quả tài chính”.

“Thực ra, các đồng chí trong nghề đã nghiên cứu rất kỹ, có đề án báo cáo Bộ Chính trị, theo tôi biết là Bộ Chính trị đã cho ý kiến những nét lớn, trên cơ sở đó, các đồng chí về hình thành chính sách, họp thường kỳ Chính phủ cũng đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến 2 lần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Thống đốc giải trình riêng các vấn đề này”, ông Giàu cung cấp thêm thông tin.

Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng cùng quan điểm như hai vị cựu Thống đốc.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng: “Phải khẳng định với nhau, chỉ xử lý nợ xấu từ 1/8/2017 trở về trước (tức thời điểm nghị quyết dự kiến chính thức có hiệu lực - PV), nếu không sẽ thành cơ chế bật đèn xanh cho việc tiếp tục vi phạm.

Một số vị khác cho rằng quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng là không khả thi. Có vị đại biểu trong ngành toà án khẳng định, nếu quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm thì vị này khó có thể đồng ý thông qua nghị quyết.