19:08 16/01/2024

Hải Phòng được quy hoạch thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á

Nam Khánh - Đỗ Hoàng

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành động lực phát triển vùng Bắc Bộ và cả nước, là trung tâm kinh tế biển hiện đại hàng đầu Đông Nam Á…

Chiều 15/1, tại Hội nghị công bố Hội nghị công bố quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quy hoạch thành phố Hải Phòng vừa được Thủ tướng phê duyệt sẽ giúp Hải Phòng khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng thành phố cảng.

KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN

Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, cho biết ngày 2/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Đây là sự cụ thể hoá khát vọng phát triển thành phố Hải Phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – ông Quân nói.

Theo quy hoạch này, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Hải Phòng là thành phố có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước, quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa. Hải Phòng cũng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển…

Một trong ba trụ cột phát triển của Hải Phòng là dịch vụ cảng biển - logistics. Ảnh: Hồng Phong
Một trong ba trụ cột phát triển của Hải Phòng là dịch vụ cảng biển - logistics. Ảnh: Hồng Phong

Về mục tiêu cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7%, ngành dịch vụ chiếm 43,2%, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1%.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) của Hải Phòng đạt khoảng 558 triệu đồng, tương đương khoảng 21.700 USD, thu ngân sách đạt khoảng 300.000 – 310.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 90.000 – 98.000 tỷ đồng đồng). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74 - 76%, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính cấp quận…

THÀNH LẬP KHU KINH TẾ VEN BIỂN

Theo quy hoạch thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển là dịch vụ cảng biển – logistics, công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế, quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người. Hải Phòng cũng sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.

Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại, cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn trở thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đồng thời, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà – Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao, kết hợp với vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế.

Một trong những định hướng mới, nổi bật của quy hoạch thành phố Hải Phòng vừa được Thủ tướng phê duyệt là mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng.

Quy hoạch thành phố Hải Phòng cũng định hướng thành lập Khu thương mại tự do trong Khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về khu thương mại tự do. Khu kinh tế ven biển phía Nam, trong đó có Khu thương mại tự do, được kỳ vọng trở thành đòn bẩy đủ mạnh đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam Hải Phòng.

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG

Quy hoạch thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2050 tập trung định hướng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải, đảm bảo thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia về giao thông. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng xứng tầm với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Hải Phòng sẽ tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm, đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc.

Quy hoạch định hướng xây dựng mới tuyến đường sắt thứ nhất là tuyến Hà Nội – Hải Phòng song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện. Tuyến đường sắt thứ hai là tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng cho lãnh đạo thành phố. Ảnh: CTV
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng cho lãnh đạo thành phố. Ảnh: CTV

Về đường bộ, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ liên vùng, xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Đồng thời, phát triển các tuyến trục chính đô thị hướng tâm và đường vành đai, xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao lộ có mật độ giao thông cao.

Về vận tải đường thuỷ, theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ phát triển các tuyến đường thuỷ ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận, kết nối với khu vực cảng biển Lạch Huyện để tận dụng ưu thế của vận tải sông pha biển. Cùng với đó là phát triển các tuyến đường thủy nội địa thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ khách du lịch.

Về hàng không, quy hoạch định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đồng thời, nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Quy hoạch thành phố Hải Phòng cũng đưa ra đề xuất, định hướng tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi (công suất dự kiến 2.500MW), đảm bảo cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 3 (sau Đà Nẵng và Cần Thơ) được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quy hoạch thành phố Hải Phòng vừa được về duyệt thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Hải Phòng.