Hải Phòng với nhiệm vụ tăng trưởng nông nghiệp... 1,1% mỗi năm
Theo kế hoạch, cơ cấu lại nền nông nghiệp Hải Phòng giai đoạn (2021- 2025), thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 0,93%/năm...
Về chi tiết, Hải Phòng đặt mục tiêu sẽ cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt lần lượt là là 55,9%; 0,2% và 43,9%/năm. Giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp gấp 1,6 đến 1,8 lần so với năm 2019, ước đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất trồng trọt đạt 245 triệu đồng/ha.
Tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng công nghệ tiên tiến công nghệ cao đạt 62,4%. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 200.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác chiếm 60%; sản lượng nuôi trồng chiếm 40%.
Hiện, trong hơn 152.000 ha diện tích đất sử dụng của Hải Phòng, có 47,99 % diện tích đất chuyên dụng sản xuất nông, lâm nghiệp.
Do đó, “Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững”, được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được đầu tư tương xứng, để xây dựng Hải Phòng phát triển cân bằng giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh - xứng tầm với xu thế toàn cầu.
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hải Phòng, năm 2021, thành phố đã hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả tại 06 huyện gồm Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy An Dương, An Lão, Thủy Nguyên với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng.
Trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 9 huyện quận đã tổ chức đánh giá phân loại sản phẩm OCOP cấp huyện cho 23 tổ chức cá nhân, với tổng số 81 sản phẩm.
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của các thành phố, đã thực hiện đánh giá hai đợt cho 81 sản phẩm. Kết quả có 5 sản phẩm đạt 5 sao, đủ điều kiện để tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 21 sản phẩm đạt 4 sao; 55 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đang tập trung phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, Tích cực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các địa phương quy vùng chăn nuôi trang trại, tạo điều kiện cho các trang trại có nhu cầu mở rộng quy mô. Khuyến khích các trang trại dồn đổi ruộng đất, hoặc đấu thầu các vùng ruộng bỏ hoang để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Tạo thành liên kết vững chắc giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông vẫn luôn đồng hành với bà con nông dân, định hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức tập quán chăn nuôi cũ, sang chăn nuôi theo hình thức liên kết. Người nông dân đã được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới, về giống, thức ăn, quy trình sản xuất, chăn nuôi theo an toàn sinh học đảm bảo có kiểm soát về dịch bệnh..
Ông Đam kết luận: “Sau một thời gian triển khai, hiệu quả kinh tế của các mô hình này đã tăng lên rất rõ. Khẳng định đây là một hướng đi đúng từ chỉ đạo của trung ương, thành phố”.
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong năm 2022 và những năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Hải Phòng là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp.
Đặc biệt là nhanh chóng đưa các cơ chế chính sách thành phố đã ban hành vào thực tiễn, khuyến khích sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất tập trung và ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đưa ra không chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, thay sản xuất nông nghiệp bằng phát triển kinh tế nông nghiệp. Đưa nông nghiệp hòa với thị trường…