Hành động thế nào khi thị trường giảm đột ngột?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn tăng trưởng tốt nhất, cơ hội ngắn hạn ở một số cổ phiếu tốt, cổ phiếu trụ đã xuất hiện cho những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm...
Trong vòng 30 phút cuối phiên giao dịch ngày 6/7, thị trường chứng khoản trái qua đủ cung bậc cảm xúc. VN-Index từ xanh chuyển sang đỏ, rồi giảm sâu với nhiều cổ phiếu trụ bị “cứng sàn”. Với việc đóng cửa giảm 56,34 điểm tương đương 3,99%, mức rơi kỷ lục kể từ giữa tháng 1/2021, các nhà môi giới chứng khoán đã đưa lời khuyên thế nào đến nhà đầu tư? Để trả lời cho câu hỏi trên, VnEconomy đã cuộc trao đổi với ông Đoàn Tú chuyên gia tư vấn chứng khoán, CEO của Finck.vn.
Ông nhận định thế nào về thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại?
6 tháng đầu năm nay, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Kết thúc phiên giao dịch 30/6, VN-Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thậm chí, HNX-Index cũng tăng 59,1% để dừng ở mốc 323,32 điểm.
Đà tăng này được thúc đẩy bởi hai yếu tố gồm triển vọng tươi sáng của nền kinh tế sau đại dịch và môi trường lãi suất thấp giúp thị trường chứng khoán tăng sức hút đối với nhà đầu tư trong nước.
Khi nước lên thì thuyền lên, định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng của các cổ phiếu đang niêm yết. Hầu như nếu mua từ đầu năm và giữ cho đến thời điểm hiện tại thì hiếm có nhà đầu tư nào phải chịu thua lỗ.
Đồng thời, thị trường đang trông ngóng vào mùa báo cáo quý 2 nên chưa thể rơi vào xu hướng giảm ngay hoặc tăng ngay, bởi số liệu kinh doanh thường có độ trễ tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều cổ phiếu tăng quá đà, điều này tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong thời gian tới để phả bớt sức nóng hiện tại.
Tôi kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ giao dịch ở mức P/E 17,5-18 lần vào cuối năm 2021, tương đương với ngưỡng từ 1.400 – 1.450 điểm. Trước đó, với bối cảnh dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân mới (F0) tiếp tục đổ vào thị trường, tôi cho rằng VN-Index sẽ có thời điểm chạm mức 1.500 điểm. Nhóm ngành nâng đỡ chỉ số gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sảnbất động sản khu công nghiệp…
Theo ông nói, dường như nhà đầu tư trong nước đang dẫn dắt thị trường. Ông có thể nói rõ hơn không?
Thị trường muốn tăng được thì dòng tiền phải vào. Thông thường những phiên tăng điểm mạnh kèm theo thanh khoản tăng cao, độ rộng thị trường tốt. Hiện tại, giá trị giao dịch toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm nay đạt trung bình 1 tỷ USD/phiên, tăng gấp 4 lần cũng kỳ năm trước.
Trong khi đó, khối ngoại suốt từ nửa cuối năm ngoái bắt đầu bán ròng. Đà bán ròng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nửa đầu năm nay, ở danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất thì mã dẫn đầu bị xả tới 13.000 tỷ đồng, 8 mã bị xả trên 1.000 tỷ đồng, mã nằm cuối cùng cũng bị bán hơn 830 tỷ đồng.
Chỉ số tăng, thanh khoản tăng, khối ngoại lại bán ròng thì hiển nhiên nhà đầu tư trong nước đang dẫn dắt thị trường, tức vừa phải cân khối ngoại vừa phải đẩy điểm số.
Còn việc tôi nhắc đến F0 đơn giản bởi số lượng tài khoản chứng khoán mới mở ở mức cao, tháng 6 lại lập kỷ lục mới. Thêm nữa, dịch bệnh kéo dài khiến sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, do đó lớp đầu tư chứng khoán mới không chỉ có nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mà còn có có “cá mập”, “cá voi” từ những ngành khác chuyển sang.
Nhìn chung, F0 đang giúp giảm tác động mạnh từ hoạt động bán ròng của khối ngoại, đồng thời làm các cổ phiếu vận hành tốt hơn theo cung cầu tự nhiên, giảm áp lực làm giá phi lý.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước dẫn dắt thị trường nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ. Về cơ bản thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, khi thị trường điều chỉnh họ bị phản ứng thái quá. Theo ông đây có phải nguyên nhân dẫn đến phiên giảm điểm sâu hôm 6/7 vừa qua?
Theo tôi, đợt giảm mạnh vừa qua không phải đến từ nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, trong cả phiên giao dịch hôm đó thị trường vẫn giữ sắc xanh, điểm số chỉ sụt giảm ở 30 phút cuối trước đợt khớp lệnh ATC. Nói chung là thị trường giảm đột ngột, nhà đầu tư cá nhân khó mà phản ứng kịp với diễn biến đó.
Vậy sau phiên giảm sâu đó, ông đã đưa ra lời khuyên nào đến các nhà đầu tư?
Sau các phiên giảm sốc thì thị trường hồi lại là điều bình thường. Hầu hết những ai có kinh nghiệm đều phải biết đón giá ở nhịp giảm đầu tiên theo quán tính. Do đó, cơ hội ngắn hạn ở một số cổ phiếu tốt, cổ phiếu trụ vẫn còn, nhà đầu tư thích mạo hiểm có thể giải ngân. Thực tế phiên sau đó 7/7 cũng cho thấy điều này, xu hướng chung của thị trường không không còn, độ rộng thể hiện sức phân hoá rất rõ, đa số hồi kém.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, như tôi đã nói bên trên, hầu như ai mua và giữ từ đầu năm đến nay đều đang lãi. Thậm chí, thị trường có điều chỉnh vài phiên nữa họ vẫn chịu được. Tuy nhiên, việc chốt lời chưa bao giờ là sai.
Theo ông các nhà đầu tư F0 nên làm gì ở thời điểm này để có hiệu quả đầu tư tốt nhất?
Thị trường đã qua giai đoạn tăng trưởng tốt nhất nên nhà đầu tư cần ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro hơn. Một số rủi ro có thể xuất hiện ảnh hưởng tới thị trường trong thời gian tới có thể nhắc đến như áp lực lạm phát và triển vọng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài.
Cá nhân tôi cho rằng, do các yếu điểm về thông tin cũng như độ chuyên sâu hạn chế, F0 nên tập trung vào các cổ phiếu có doanh thu lợi nhuận tốt trong quý 2. Mặc khác, các cổ phiếu đầu ngành và vốn hóa lớn thường đón đầu và đạt được doanh thu lợi nhuận tốt nhất khi có tác động tích cực từ vĩ mô cũng như khả năng thích ứng tốt trong điều kiện kinh doanh thay đổi nhanh chóng. Điều này sẽ giảm bớt rủi ro, giúp gia tăng lợi nhuận trong dài hạn và vượt qua các đợt điều chỉnh tự nhiên của thị trường.
Ngoài việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu ở các cổ phiếu thuộc nhóm ngành trong phạm vi hiểu biết của bản thân, nhà đầu tư cũng cần mở rộng tìm hiểu doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, và tiếp cận doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính. Từ đó nhà đầu tư có góc nhìn chuyên sâu hơn về cổ phiếu hỗ trợ việc đầu tư trong dài hạn và hái quả ngọt trong đầu tư.
Đồng thời, việc tích lũy kiến thức là rất quan trọng trong quá trình đầu tư. Nếu có điều kiện thì cả F0 hay Fn đều cần có kế hoạch giao dịch càng chi tiết càng tốt, nghiên cứu các trường phái đầu tư để tìm được cách đầu tư phù hợp với tính cách của bản thân, tránh tâm lý đẽo cày giữa đường. Vì đầu tư cần sự chuyên biệt, khác với đám đông để có thể sinh lời bền vững.