14:49 09/11/2021

Hiểu lầm về xét nghiệm kháng thể gây lãng phí và trì hoãn tiêm chủng Covid-19

Hoài Phương

Theo nhiều nghiên cứu, kháng thể sau khi tiêm vaccine có thể giúp một người có được hệ miễn dịch với virus tốt hơn nhiều lần so với một người bình thường không tiêm. Tuy nhiên, khả năng này phụ thuộc vào nồng độ kháng thể có được sau khi tiêm ở từng người...

Theo đó, nồng độ kháng thể sau tiêm vaccine Covid-19 từ 15AU/mL là đáp ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể dưới 12AU/mL là chưa đáp ứng miễn dịch. Thế nhưng, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. Nghĩa là, những nghiên cứu trên chỉ là cá biệt, chưa được công nhận chính thức.

Trong cơ thể một người khỏe mạnh vẫn có một lượng kháng thể nhất định. Chúng giúp phòng ngừa sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, lượng kháng thể này rất thấp (chỉ khoảng 5,86 AU/mL) hoàn toàn chưa đáp ứng miễn dịch. Do vậy, tiêm vaccine là một cách tạo ra kháng thể chủ động với lượng lớn gấp nhiều lần.

XU HƯỚNG TRỞ THÀNH “MỐT” Ở NHIỀU QUỐC GIA

Các xét nghiệm kháng thể với Covid-19 lần đầu tiên được công bố rộng rãi ở Moskva vào tháng 5 /2020, ngay sau khi Nga dỡ bỏ lệnh đóng cửa toàn quốc duy nhất cho đến nay, mặc dù nhiều hạn chế vẫn được áp dụng. Thị trưởng Sergei Sobyanin đã công bố một chương trình đầy tham vọng nhằm xét nghiệm kháng thể cho hàng chục nghìn cư dân. Nhiều người dân thủ đô Nga đã nhiệt tình chào đón chương trình này.

Trái ngược với các chuyên gia phương Tây, nhiều người Nga tin rằng các kháng thể cho thấy khả năng miễn dịch khỏi virus và họ coi kết quả xét nghiệm dương tính là một cách để thoát khỏi các hạn chế. Ở Nga, các xét nghiệm này rẻ, phổ biến rộng rãi và được các phòng khám tư nhân quảng bá tích cực trên toàn quốc. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, chính việc sử dụng cách xét nghiệm này là một yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Nga ngay cả khi số ca tử vong và lây nhiễm hàng ngày đang gia tăng trở lại.

Các chuyên gia y tế phương Tây cho rằng, xét nghiệm kháng thể vốn rất phổ biến ở Nga không đáng tin cậy trong chẩn đoán Covid-19 hoặc đánh giá khả năng miễn dịch đối với căn bệnh này. Theo họ, các kháng thể mà các xét nghiệm này chỉ ra chỉ có thể là bằng chứng về một lần nhiễm virus trong quá khứ và vẫn chưa rõ mức độ kháng thể cho thấy khả năng bảo vệ khỏi virus và trong thời gian bao lâu.

Ở Nga, các xét nghiệm kháng thể phổ biến rộng rãi và được các phòng khám tư nhân quảng bá tích cực trên toàn quốc.
Ở Nga, các xét nghiệm kháng thể phổ biến rộng rãi và được các phòng khám tư nhân quảng bá tích cực trên toàn quốc.

Tại Mỹ, xét nghiệm định lượng kháng thể hàng tháng hoặc định kỳ cũng đang ngày càng phổ biến trong giới nhà giàu và trung lưu. Nhiều người dân đã bàn luận về chỉ số kháng thể như một chủ đề trò chuyện thông thường hay tính calorie mỗi bữa ăn. Scott Braunstein, Giám đốc y khoa tại Sollis Healthcare ở New York, cho biết phòng khám kiểm tra chỉ số này cho khách hàng gần như mỗi ngày.

"Đây là một xét nghiệm máu đơn giản và có thể nhận kết quả sau một ngày vì nhiều phòng thí nghiệm lớn chấp nhận thực hiện. Nó cũng không quá đắt đỏ. Bảo hiểm có thể trả, nếu không thì tốn khoảng 100 - 200 USD", bác sỹ Scott cho biết. Nhiều người dân mặc dù đã tiêm chủng vẫn quyết định làm xét nghiệp kháng thể trước khi quyết định đi du lịch, để yên tâm hơn về khả năng lây nhiễm của bản thân.

SỰ YÊN TÂM GIẢ TẠO

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y khoa tại Mỹ lo ngại xét nghiệm định lượng kháng thể đang bị lạm dụng. Hình thức này khó mang lại hiệu quả thực tiễn vì mỗi phòng thí nghiệm sử dụng một cách đo và chỉ số khác nhau. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA), khuyến cáo người dân không lạm dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để tự giải nghĩa khả năng miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC) cùng Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm Mỹ (IDSA) đều đưa ra những khuyến cáo tương tự.

Giới chức y tế Mỹ lo ngại dịch vụ này lợi bất cập hại, tạo ra tâm lý chủ quan. Người có kết quả với chỉ số cao có khả năng lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang hay kiểm tra sức khỏe nếu có triệu chứng, khiến virus lây lan âm thầm, đe dọa bản thân lẫn mọi người xung quanh.

Athur Caplan, chuyên gia về đạo đức trong sinh học tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, chỉ trích những bác sĩ cổ súy dịch vụ này đang đẩy bệnh nhân vào tình thế nguy hiểm. "Dù bạn có kháng thể, điều này không đồng nghĩa bạn có đủ kháng thể chống lại những biến chủng mới," ông Athur nhận định. “Đối với một số căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc như sởi hay viêm gan siêu vi A và B, định lượng kháng thể giúp cơ sở y tế xác định liệu bệnh nhân đã miễn dịch chưa. Tuy nhiên, dữ liệu về nCoV vẫn còn quá ít để giới thực hành y khoa áp dụng tương tự”.

Thực tế, phương pháp xét nghiệm này cung cấp rất ít thông tin, ngoài việc nói lên người đó đã nhiễm virus trước đó.
Thực tế, phương pháp xét nghiệm này cung cấp rất ít thông tin, ngoài việc nói lên người đó đã nhiễm virus trước đó.

Dịch vụ xét nghiệm này đặc biệt thịnh hành với giới nhiều tiền ở Mỹ, vốn xem mọi kiểm tra y tế là cần thiết và mọi chi phí khám chữa đều hợp lý. Các dịch vụ tư vấn sức khỏe thay vì tư vấn về mức độ cần thiết của xét nghiệm đã chiều theo ý muốn khách hàng và thu lời. Một số bang tại Mỹ đã sử dụng xét nghiệm định lượng kháng thể trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, biện pháp này chủ yếu phục vụ nghiên cứu dịch tễ và hoạch định chính sách chứ không được áp dụng phổ biến ở mức độ cá nhân.

Cả Tổ chức Y tế Thế giới và CDC hiện nay đều khuyến cáo nên tiêm phòng bất kể người đã đã nhiễm Covid-19 trước đó. Hiện nay, hướng dẫn ở Nga cũng đã thay đổi. Barchuk, nhà dịch tễ học ở St. Petersburg đã tuyên bố rằng có quá nhiều lỗ hổng trong việc hiểu cách hoạt động của các kháng thể và phương pháp xét nghiệm này cung cấp rất ít thông tin, ngoài việc nói lên người đó đã nhiễm virus trước đó.

Điều này dẫn đến sự thật là mặc dù Nga có thể tự hào về việc phát triển thành công vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, Sputnik V, nhưng lại khá xấu hổ khi đến nay chỉ có hơn 57 triệu người Nga được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, mức độ miễn dịch cộng đồng ước tính đạt 48%.

“Đừng vì niềm tin cá nhân mà đi làm xét nghiệm kháng thể, sau đó trì hoãn tiêm chủng,” ông Barchuk nói. “Kết quả xét nghiệm kháng thể cũng không giúp ích gì nhiều trước mỗi chuyến du lịch đâu, vì thực tế bạn không thể chắc nơi bạn đến đang tồn tại những biến chủng nào của nCov”.

 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế cho biết, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.