Hiệu quả vaccine giảm theo thời gian , EU tính áp dụng thời hạn 9 tháng với “hộ chiếu vaccine”
Theo tin từ CNBC, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa ra thời hạn đối với chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19 - còn gọi là “hộ chiếu vaccine“...
Cụ thể, ngày 25/11, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU đề xuất cập nhật Chứng nhận Covid điện tử EU theo hướng đưa ra thời hạn 9 tháng sau đợt tiêm vaccine chính – ví dụ sau mũi thứ hai của vaccine Pfizer-BioNTech, hoặc sau 1 mũi tiêm vaccine Johnson & Johnson (liệu trình chỉ tiêm 1 liều). Cơ sở cho đề xuất này là hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian, vì vậy “hộ chiếu” vaccine cũng chỉ có thời hạn.
Các khuyến nghị của EC không tập trung vào việc tiêm mũi tăng cường mà chỉ nói “có thể mong đợi rằng việc tiêm mũi tăng cường giúp kéo dài hiệu quả của vaccine hơn so với đợt tiêm chính”.
Trước đó, ngày 24/11, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC) cũng có thay đổi lớn về chính sách khi khuyến nghị tất cả người trưởng thành nên tiêm mũi vaccine tăng cường, trong đó ưu tiên cho người trên 40 tuổi.
“Rõ ràng đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Các quy định đi lại cần phải tính đến tình huống bất ổn này”, Ủy viên châu Âu Didier Reynders cho biết hôm 25/11.
Hiện tại, hàng loạt quốc gia châu Âu đang đối mặt với làn sóng bùng dịch với số ca nhiễm mới tăng mạnh, đặc biệt ở những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 còn thấp. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của EU hiện là 67% cho thấy tỷ lệ tiêm không đồng đều tại các quốc gia, từ đó tạo ra lỗ hổng về miễn dịch khiến virus lây lan mạnh thời gian gần đây. Trong khi một số quốc gia như Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm đủ liều là gần 88%, tỷ lệ này tại Bulgaria chỉ là hơn 24%.
Cũng trong đề xuất ngày 25/11, EC cho rằng nên miễn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại với trẻ em dưới 6 tuổi. Cơ quan này cũng cho rằng trẻ em từ 6-12 cũng nên được miễn như vậy trừ phi đến từ một quốc gia có mức lây nhiễm cao. Còn trẻ em trên 12 tuổi phải tuân thủ các quy định tương tự như người trưởng thành.
Các đề xuất của EC, cần được 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn trước khi được thông qua, được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu tuần cảnh báo rằng số ca tử vong vì Covid-19 tại khu vực châu Âu có thể vượt 2 triệu người vào tháng 3/2022. WHO cũng mô tả tình trạng số ca nhiễm tăng lên gần đây tại châu lục này là “rất nghiêm trọng”.
ECDC dự báo diễn biến dịch Covid-19 tại EU sẽ diễn biến xấu đi nếu các quốc gia trong khối này không nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với số ca mắc mới gia tăng. Cơ quan này dự báo hệ thống y tế tại các nước EU và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA -gồm 27 nước EU và Na Uy, Liechtenstein Iceland) sẽ đối mặt với sức ép lớn trong tháng 12/2021-1/2022 nếu không có biện pháp y tế và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn dân.
Làn sóng lây nhiễm bắt đầu nổi lên ở châu Âu và Trung Á từ trung tuần tháng 9, thời điểm các nhà nghiên cứu của WHO xác định được khu vực có bình quân khoảng 1,1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong vòng 1 tuần. Hiện nay, WHO xác định được bình quân mỗi ngày khu vực có 2,4 triệu ca nhiễm mới trong tuần kết thúc vào ngày 21/11. Con số này chiếm xấp xỉ 67% tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu trong kỳ báo cáo – theo cập nhật của WHO.
Hôm 22/11, Đức lập kỷ lục về số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất, với 51.000 ca. Tại Nga, số ca tử vong do Covid bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất cũng lên cao chưa từng thấy, với 1.218 ca – theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Trong bối cảnh đó, vài tuần gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đã lần lượt triển khai hoặc tái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để kiềm chế dịch bệnh. Hy Lạp, Đức, Áo, Áo, Hà Lan, Thụy Sỹ đều thắt chặt các hạn chế với người chưa tiêm vaccine Covid-19.
Lây nhiễm tăng mạnh buộc Thủ tướng Áo Alexander Schanllenberg áp lệnh phong toả toàn quốc lần thứ tư kể từ khi đại dịch bắt đầu, bắt đầu từ ngày 22/1 và dự kiến kéo dài không quá 20 ngày. Cùng với đó, Áo cũng đưa ra quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn dân.
Trong khi đó, Hà Lan áp lệnh phong toả một phần từ hôm 20/11, theo đó yêu cầu đóng cửa sớm một số hoạt động kinh doanh và không cho phép khán giả tới xem trực tiếp các trận đấu thể thao trong vòng 3 tuần.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi siết chặt các biện pháp kiểm soát chống Covid tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Giới chức Đức cũng để ngỏ khả năng áp lệnh phong toả nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.