15:35 12/04/2022

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy thương mại biên giới Việt – Lào

Vũ Khuê

Giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai nước…

Hai bên ký kết Biên bản hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước làm cơ sở để hai bên xây dựng và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Hai bên ký kết Biên bản hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước làm cơ sở để hai bên xây dựng và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 09 cửa khẩu quốc tế, 06 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 09 Khu kinh tế cửa khẩu…

Số liệu đưa ra tại “Hội nghị Phát triển thương mại biên giới lần thứ XII” do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam, Lào tổ chức tại thủ đô Viêng chăn (Lào) cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào  đạt 4,5 tỉ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỉ USD. Kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt hơn 1 tỉ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm.

Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,1 tỉ USD, tăng 12,6% so với năm 2018. Năm 2020, do sự bùng phát dịch Covid-19, cả hai bên áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cộng với những tác động từ thiên tai đã làm cho kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 1 tỉ USD, giảm 11,5% so với năm 2019.

Đến năm 2021, con số này tăng 33,32% so với năm 2020 đạt kim ngạch thương mại song phương 1,37 tỉ USD, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% và kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,9%.

Về đầu tư, đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan).

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Khampheng Xaysompheang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào đồng chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Khampheng Xaysompheang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào đồng chủ trì hội nghị.

Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cũng đưa ra những hạn chế, khó khăn trong thúc đẩy quan hệ kinh tế biên giới hai nước. Đó là chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả.

Đặc biệt, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau.

Mặt khác, hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Do đó tại Hội nghị, hai bên đã xác định 7 định hướng hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào  trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên cần tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn kiện: Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào; Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước.

Tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp hiệu quả ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hai bên đã thống nhất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Xaysompheang đồng tình nhấn mạnh, Bộ Công Thương hai nước sẽ tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa, hiện thực hóa các chủ trương, hiệp định, chương trình hợp tác đã ký kết; tích cực giải quyết các vướng mắc nhanh chóng nhất thông qua trao đổi, đối thoại, điện đàm, hội đàm trực tuyến…