Thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia lên 18 tỷ USD
Theo Cục Thống kê Malaysia, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Malaysia năm 2021 đạt 16,71 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020. Hai bên đang nỗ lực để đưa con số này lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, mục tiêu đề ra vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước...
Kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Malaysia (từ 20-22/3 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính), Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali đã gặp gỡ, chia sẻ với truyền thông Việt Nam về nội dung các buổi thảo luận liên quan đến thương mại và đầu tư giữa hai bên.
VIỆT NAM TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC LỚN CỦA MALAYSIA
Ông Mohamed Azmin Ali cho biết chuyến viếng thăm lần này là cơ hội để Đoàn đại biểu Malaysia hiểu rõ hơn về Việt Nam và diễn ra vào thời điểm phù hợp vì năm 2023 sẽ là kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Malaysia.
Hai bên đã trao đổi rất nhiều vấn đề, đặc biệt là về lĩnh vực thương mại và đầu tư. “Mối quan hệ của Việt Nam và Malaysia đã phát triển lớn mạnh trong nhiều năm qua. Malaysia xem Việt Nam như một điểm đến đầu tư bởi hai nước có sự tương đồng về văn hóa cũng như những đặc điểm địa lý. Chúng tôi cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất sẽ hợp tác và kết nối chặt chẽ hơn để đạt được những thành tựu kinh tế lớn hơn nữa trong tương lai”, ông Mohamed Azmin Ali nói.
Năm 2021, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn của Malaysia khi kim ngạch thương mại song phương đạt 16,7 tỷ USD. Trong chuyến thăm lần này, hai bên đều thể hiện mong muốn thúc đẩy vững chắc thương mại hai chiều theo hướng cân bằng và bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác rất lớn của hai nước và khi xét trên tổng thể thương mại toàn cầu năm ngoái đạt khoảng 650 tỷ USD.
“Vậy nên trong suốt cuộc trao đổi sáng ngày 21/3, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Malaysia đã đồng ý sẽ cùng xem xét lại những mục tiêu và trao đổi thêm về khả năng hợp tác của hai quốc gia để đạt được nhiều hợp tác toàn diện hơn nữa. Xét về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi kỳ vọng thấy được nhiều hơn so với mục tiêu hai bên đã đặt ra, trong đó có hợp tác về công nghiệp Halal”, ông Mohamed Azmin Ali cho biết.
Nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở Malaysia năm 2021 đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào 2030. Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali cho rằng Việt Nam và Malaysia có nhiều tiềm năng hợp tác trong Halal như: cung cấp đầu vào, lương thực, dịch vụ tài chính... để mở rộng ngành công nghiệp này. Và Malaysia sẵn sàng hỗ trợ về công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam phát triển Halal.
Bên cạnh đó, ông Mohamed Azmin Ali cho biết trong chuyến viếng thăm, hai bên cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đối phó với đại dịch: “Hai năm vừa rồi, đại dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron đã gây ra khó khăn cho cả hai nước về mọi mặt. Tuy nhiên, Việt Nam và Malaysia đều có tăng trưởng kinh tế khá là ổn định. Đến nay, 98% người lớn ở Malaysia đã tiêm vaccine và sắp tới thì sẽ mở rộng tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt là sẽ tiêm thêm những mũi bổ sung để sẵn sàng mở cửa.
Hiện, Việt Nam mở cửa rồi còn Malaysia dự kiến mở cửa vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng dịch tốt, Malaysia và Việt Nam đã thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vaccine cũng như ứng dụng Covid-19 để thuận tiện cho việc di chuyển giữa hai nước. Điều này sẽ tác động lớn tới ngành du lịch, giao thương giữa hai bên. Việc mở cửa lại biên giới cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kinh tế và phục hồi nhiên liệu cho khu vực”.
NHIỀU NGÀNH HÀNG VIỆT NAM CÓ THỂ XUẤT KHẨU SANG MALAYSIA
Nói về tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp Việt sang Malaysia, Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali chia sẻ: thời gian vừa rồi là khoảng thời gian thử thách đối với Malaysia khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Đầu tư nước ngoài vào Malaysia đã giảm khoảng 42% trong năm 2020.
Tính đến năm 2021, lúc người dân đã được tiêm vaccine Covid-19 thì đầu tư nước ngoài tăng lên 77% và hiện nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Malaysia đang dần trở lại như trước khi dịch bệnh diễn ra. Bộ trưởng bên Malaysia mong muốn Việt Nam cũng sẽ đầu tư mạnh hơn vào quốc gia này.
Trong thời gian tới, Malaysia sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường thương mại và đầu tư song phương với Việt Nam nhằm mang lại sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Điều này là hoàn toàn khả thi khi tính đến tình hình đại dịch tổng thể được kiểm soát, sự cải thiện trong các dòng chảy chuỗi cung ứng và nỗ lực toàn cầu trong phục hồi kinh tế. Đó là chưa kể đến những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia, nhất là RCEP, CPTPP”.
Ông Mohamed Azmin Ali,
Ông Mohamed Azmin Ali nhìn nhận có nhiều lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt có thể đầu tư sang Malaysia như gạo, công nghệ thông tin, tự động hoá… Sắp tới, hai bên sẽ bàn sâu hơn về những lợi ích của Malaysia khi nhập khẩu nhiều hơn những sản phẩm từ Việt Nam.
“Đó là lý do tại sao tôi đã có chuyến đi tới Công ty FPT. Trong chuyến thăm này, tôi rất ấn tượng với những sản phẩm công nghệ mà FPT cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước. Có rất nhiều khách hàng tại Malaysia đang rất muốn hợp tác với FPT, đặc biệt là Mari - một đối tác của chính phủ Malaysia chuyên về phát triển về trí tuệ nhân tạo và Internet. FPT đã đồng ý phát triển trung tâm công nghệ thông tin tại KLOFFE (Kuala Lumpur Options and Financial Futures Exchange) và hứa hẹn sẽ đào tạo hàng nghìn nhân sự tại Kuala Lumpur và Sabah. Đây là một tín hiệu tích cực về sự hợp tác lớn mạnh hơn giữa hai nước, đặc biệt đối với việc phát triển nhân tài trong ngành công nghệ thông tin tại Malaysia”, chính khách Malaysia nhìn nhận.
“Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi cũng đã có các buổi gặp gỡ, chia sẻ với các tập đoàn Việt Nam và các công ty Malaysia tại Việt Nam ở nhiều ngành nghề khác nhau bao gồm hàng không, năng lượng, dịch vụ tài chính, phát triển bất động sản, ô tô và Halal. Đó là những cuộc họp rất hiệu quả, nơi chúng tôi trao đổi quan điểm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và các cách để mở rộng hơn nữa mối quan hệ thương mại và các dòng tiền đầu tư cũng như tăng cường hội nhập kinh tế khu vực”, ông Mohamed Azmin Ali cho biết thêm.
Qua các buổi trao đổi, thảo luận, hai Chính phủ đã khẳng định cam kết sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị và kinh tế thông qua thúc đẩy và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, củng cố các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC). Đồng thời, đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia về hợp tác pháp luật; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động; Ý định thư về việc tạo thuận lợi cho việc hoàn tất Bản ghi nhớ giữa Viện Quan hệ ngoại giao và đối ngoại Malaysia và Học viện Ngoại giao Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đào tạo cán bộ ngoại giao.
“Vì vậy, tôi nhắc lại rằng trong thời gian tới, Malaysia sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường thương mại và đầu tư song phương với Việt Nam nhằm mang lại sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Điều này là hoàn toàn khả thi khi tính đến tình hình đại dịch tổng thể được kiểm soát, sự cải thiện trong các dòng chảy chuỗi cung ứng và nỗ lực toàn cầu trong phục hồi kinh tế. Đó là chưa kể đến những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia nhấn mạnh.