19:40 15/02/2022

Hội chứng Long Covid: triệu chứng phổ biến là không thể tập thể dục

Hoài Phương

Hậu Covid-19 gây suy nhược hoặc mệt mỏi, đồng thời khả năng chịu đựng cũng giảm. Người bệnh không thể thực hiện các hoạt động thể chất và tinh thần một cách bình thường như trước đây…

Với hàng loạt nghiên cứu mới nhất cho thấy biến thể Omicron không gây ra các triệu chứng nặng so với những biến thế trước đó, khiến tâm lý lo sợ về Covid-19 được giảm bớt. Tuy nhiên câu chuyện của những bệnh nhân phải đối mặt với hàng loạt các di chứng phụ hậu Covid là lời cảnh tỉnh về một nguy cơ y tế cộng đồng lớn hậu đại dịch.

CƠ THỂ MỆT MỎI KHI GẮNG SỨC

“Tôi đã từng thường xuyên leo lên các ngọn núi cao, nhưng sau khi hồi phục Covid-19 lúc nào tôi cũng thấy mệt mỏi. Như việc đi bộ trong công viên cạnh nhà như lúc này cũng khiến tôi thấy cạn kiệt sức lực. Tôi không thể trở lại công việc của mình. Đầu tôi lúc nào cũng váng vất như kiểu bạn bị cảm cúm, đau mỏi cơ và tay tôi nhiều khi không còn cảm giác. Ngày nào cũng phải đối mặt với cảm giác đó, khiến tôi bị suy sụp tinh thần,” một người từng mắc Covid-19 chia sẻ.

Hơn 200 triệu chứng được báo cáo, như thở gấp, đau ngực, ngứa ran và phát ban, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức (tên khoa học là sương mù não), rối loạn cơ tim và thần kinh.... là những điều mà các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải về tình trạng hàng triệu người phải vật lộn với cái gọi là Long Covid - di chứng kéo dài hậu Covid-19.

Nếu cảm thấy mệt mỏi khi leo cầu thang hoặc khi bạn chỉ có thể tập thể dục một chút, có nghĩa là mức độ chịu đựng của cơ thể đã giảm và cần phải nỗ lực để tăng lên. Nhà khoa học Natalie Lambert, Trường Y Đại học Indiana, Mỹ, đã thu thập dữ liệu từ báo cáo của hơn một triệu bệnh nhân Covid-19. Theo vị chuyên gia, các bệnh nhân cho biết họ thường được bác sĩ khuyên nên tập thể dục, song, điều này chỉ làm mọi việc thêm tồi tệ.

“Nghiên cứu mà tôi thực hiện chỉ ra rằng triệu chứng phổ biến nhất của người mắc hội chứng Long Covid là không thể tập thể dục. Một số người chỉ đơn giản là quá mệt khi phải tập luyện. Trong khi những người khác trải qua hàng loạt triệu chứng suy nhược như mệt mỏi gia tăng, sương mù não, đau cơ. Tình trạng này tồi tệ hơn sau khi bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất, đôi khi chỉ là hơi gắng sức,” vị chuyên gia trả lời phỏng vấn của New York Times.

Việc tập luyện rất có lợi cho bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên cần có sự tư vấn kỹ về cường độ cho từng người.
Việc tập luyện rất có lợi cho bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên cần có sự tư vấn kỹ về cường độ cho từng người.

Trong khảo sát trực tuyến thực hiện trên 3.762 người gặp di chứng hậu Covid-19, các chuyên gia phát hiện 89% báo cáo về tình trạng khó chịu khi phải làm việc gì đó gắng sức. TS David Systrom, Bệnh viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ ở Boston, Mỹ, đã tiến hành so sánh 160 F0 gặp khó khăn khi tập thể dục và 160 người không mắc Covid-19 nhưng bị khó thở không rõ nguyên nhân sau khi tập thể dục.

Họ phát hiện không ai có kết quả chụp CT ngực bất thường, thiếu máu hoặc các vấn đề chức năng tim, phổi. Điều này cho thấy nguyên nhân gây ra triệu chứng không phải do những tổn thương nội tạng. Tuy nhiên, khi những bệnh nhân từng mắc Covid-19 đạp xe trong thời gian dài, TS Systrom nhận thấy một số tĩnh mạch và động mạch hoạt động bất thường, ngăn cản oxy đến các cơ.

Cũng theo TS Systrom, một nghiên cứu khác của ông và cộng sự  cho thấy những bệnh nhân bị hội chứng Long Covid gặp tổn thương dây thần kinh liên quan các cơ quan, mạch máu. Đây có thể là nguyên nhân khiến các mạch máu hoạt động bất thường.

Và tất cả điều này dẫn tới một câu hỏi: Những F0 gặp khó khăn khi tập thể dục có nên tiếp tục luyện tập thể chất không? Vấn đề này cũng thu hút nhiều quan điểm trái chiều. Không ít bệnh nhân và bác sĩ phản đối kịch liệt việc tập thể dục. Trong khi đó, TS Systrom cho rằng việc tập luyện rất có lợi cho bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên cần có sự tư vấn kỹ về cường độ cho từng người.

TẬP LUYỆN SAU KHI KHỎI BỆNH NHƯ THẾ NÀO?

 
Mọi trường hợp đều chú ý tránh tình trạng gắng sức quá nhiều. Việc chọn bài tập phải phù hợp thể trạng cơ thể hoặc tiền sử bệnh, chấn thương từ trước đó. Ví dụ như các bệnh nhân cao huyết áp chú ý cẩn thận với các bài tập tay và chọn tập phần chân nhiều hơn...
(Bác sĩ Marie Schaefer, Bệnh viện Cleveland, Mỹ)

Các bác sĩ y học thể thao tại Bệnh viện Phẫu thuật đặc biệt (HSS) ở Thành phố New York đã đưa ra khuyến cáo cho các vận động viên trở lại hoạt động thể chất sau khi bị nhiễm Covid-19. Theo đó, mỗi bệnh nhân nhiễm Covid-19 là duy nhất và có thể có sự khác biệt lớn về cách mỗi người trải nghiệm với virus. Do đó, sự phục hồi sức khỏe cũng sẽ khác nhau, vì thế việc bắt đầu tập luyện trở lại sẽ được cá nhân hóa theo chỉ định của bác sĩ.

Trước tiên, bạn không nên tập luyện thể dục thể thao, nếu: vẫn bị sốt dai dẳng; khó thở khi ngồi nghỉ; ho; đau ngực hoặc đánh trống ngực… Bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào có bệnh tim mạch hoặc phổi tiềm ẩn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục tập luyện, ngay cả khi không có triệu chứng. Đối với bệnh nhân Covid -19 không triệu chứng, sau 7 ngày có thể tiếp tục hoạt động thể chất với mức 50% so với bình thường.

Nên bắt đầu tập chậm và tăng dần cường độ. Khi đã thực hiện được điều này trong khoảng thời gian vài tuần, có thể tập thêm bài tập tim mạch cường độ cao hơn (nhưng không quá sức) để tăng nhịp tim lên một chút so với khi đi bộ. Nhiều bác sỹ cho biết cách tốt nhất để bắt đầu là đạp xe tại chỗ hoặc bơi lội. Nếu bạn xây dựng cường độ dần dần trong khoảng thời gian vài tuần, và cơ thể cảm thấy ổn, thì có thể trở lại các bài tập điển hình của mình.

Nếu cảm thấy mệt mỏi khi leo cầu thang hoặc chỉ có thể tập thể dục một chút, có nghĩa là mức độ chịu đựng của cơ thể đã giảm và cần phải nỗ lực để tăng lên.
Nếu cảm thấy mệt mỏi khi leo cầu thang hoặc chỉ có thể tập thể dục một chút, có nghĩa là mức độ chịu đựng của cơ thể đã giảm và cần phải nỗ lực để tăng lên.

TS Michael Fredericson, khoa phẫu thuật chỉnh hình tại Stanford Medicine ở Palo Alto, California cho biết đối với hầu hết mọi người, có thể bắt đầu bằng việc đi bộ và tăng dần mức độ. Tuần đầu tiên giảm hoạt động xuống 50% so với bình thường. Nếu ổn, trong tuần 2 giảm 30%, tuần 3 giảm 20% và tuần 4 giảm 10% so với hoạt động bình thường. Theo TS Fredericson, trong 4 tuần kể từ khi tăng dần khối lượng hoạt động, bạn có thể quay trở lại quá trình tập luyện như trước khi bị bệnh một cách an toàn. Nhưng điều quan trọng là chỉ tiếp tục quá trình vận động nếu bạn cảm thấy ổn sau mỗi lần tăng mức hoạt động thể chất.

Đối với những người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài có thể bị mệt mỏi quá mức với các hoạt động bình thường hàng ngày, cảm thấy đau đầu và hụt hơi khi làm những việc như lên xuống cầu thang hoặc đi lại… Những trường hợp này phải mất một thời gian dài để khỏe lại, và không nên cố gắng tập thể dục trở lại khi đang cảm thấy các triệu chứng trên. Bất kỳ hoạt động thể chất nào trở lại đối với những người bệnh này chỉ nên bắt đầu sau khi không còn triệu chứng và có sự hướng dẫn của bác sĩ.