18:18 17/03/2022

Hơn 90% người dân sẽ có Hồ sơ sức khỏe điện tử sử dụng trong khám chữa bệnh

Nhĩ Anh

Đến hết năm 2022 sẽ có trên 90% người dân Việt Nam có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe, từng bước thay thế y bạ giấy..

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch hành động năm 2022 vừa được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS.

Quyết định nêu rõ, trong năm 2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch đặt mục tiêu năm 2022, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 75%.

Trong phát triển chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50% (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).

Về phát triển kinh tế số và xã hội số, kế hoạch đặt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%. Cùng với đó, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65-70%.

Các mục tiêu phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đặt ra trong kế hoạch hành động  của Ủy ban năm 2022
Các mục tiêu phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đặt ra trong kế hoạch hành động  của Ủy ban năm 2022

Quyết định cũng giao 18 nhiệm vụ trọng tâm cho các thành viên Ủy ban quốc gia trực tiếp chỉ đạo. Theo đó, nhiệm vụ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì chỉ đạo, các địa phương phối hợp thực hiện. Mục tiêu đến hết năm 2022 tối thiểu 75% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%.

Việc phổ cập danh tính điện tử toàn dân do Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương phối hợp xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có từ 15-20% người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

Nhiệm vụ phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương phối hợp thúc đẩy triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có trên 90% người dân có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe và từng bước thay thế y bạ giấy.

Nhiệm vụ phổ cập dạy học trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng đại học số và kho tài nguyên giáo dục số quốc gia. Phổ cập và duy trì tỷ lệ dạy học trực tuyến nhất định ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc. Xây dựng Đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục đại học số trong đào tạo nhân lực công nghệ số.

Việc điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các bộ, ngành phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ: phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phổ cập hóa đơn điện tử; Phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Phổ biến kỹ năng số; Thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; Phát triển thương mại điện tử và thương mại số…