00:16 26/01/2011

IFC và điểm đến ABBank

Minh Đức

Bên cạnh 1.300 tỷ đồng các nguồn vốn từ IFC, việc nhà đầu tư nước ngoài lấp đầy “room” tại ABBank đã là một thành công

Đại diện IFC nhận chứng nhận sở hữu trái phiếu ABBank.
Đại diện IFC nhận chứng nhận sở hữu trái phiếu ABBank.
Bên cạnh con số gần 1.300 tỷ đồng các nguồn vốn từ IFC (bao gồm 480 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 312 tỷ đồng trái phiếu dài hạn cùng khoản tài trợ 25 triệu USD dự kiến) việc nhà đầu tư nước ngoài lấp đầy “room” tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cũng đã là một thành công.

Đầy “room” vốn ngoại

Trung tuần tháng 10/2010, trang web của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC, thành viên thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) phát đi thông tin về dự án đầu tư dự kiến vào ABBank.

Bản tin trên được chú ý bởi nhiều lý do. Rất hiếm khi một tổ chức nước ngoài công khai chi tiết dự án đầu tư của mình như vậy trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, trong khi ABBank từ chối tiết lộ các thông tin liên quan khi hai bên chưa đặt bút ký. Sau làn sóng trước năm 2008, trong khoảng ba năm trở lại đây, các khoản đầu tư tương tự ở các ngân hàng Việt Nam là ít ỏi, nếu không nói hầu hết các kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài vẫn chưa thể hiện thực. Và với kế hoạch đó, ABBank được dự tính là thành viên trong số ít các nhà băng được khối ngoại lấp đầy “room”, theo giới hạn 30% vốn điều lệ.

Cuối tháng 12/2010, ABBank chính thức công bố phát hành 480 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC, tương ứng với 10% vốn điều lệ sau khi chuyển đổi (dự kiến thời điểm 30/12/2012). Và cùng với việc phát hành thêm cho cổ đông chiến lược nước ngoài hiện có (Maybank, Malaysia), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này được lấp đầy. Ngoài trái phiếu chuyển đổi, ABBANK cũng đồng thời phát hành 390 tỷ mệnh giá trái phiếu thường, kỳ hạn 24 tháng, trong đó IFC mua 312 tỷ đồng và Maybank mua 78 tỷ đồng.

Với ABBank, đó là một kế hoạch thành công. Bởi theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ABBank phải hội đủ được các điều kiện về quản trị, hiệu quả hoạt động, chiến lược và tiềm năng phát triển… phù hợp với các tiêu chí của nhà đầu tư để họ quyết định rót vốn. Và cụ thể cho nhận định đó là sự kiện lễ mừng thành công dự án phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài được tổ chức ngày 24/1/2011.

“Ngoài sự hỗ trợ của cổ đông lớn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự cam kết thúc đẩy của cổ đông chiến lược Maybank, cũng phải thấy rằng chúng tôi đã có những nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo được tiềm năng phát triển để thu hút nhà đầu tư”, Chủ tịch ABBank nói.

Chiến lược của IFC

Tại Việt Nam, IFC khá quen thuộc với những khoản đầu tư, tiếp vốn vào các định chế tài chính trong nước những năm gần đây. Trước ABBank, có những điểm đến của tổ chức này thu hút sự chú ý của thị trường như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB)…

Là tổ chức tài chính phát triển toàn cầu, chiến lược ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực tài chính được IFC lý giải là do sự phát triển của lĩnh vực này sẽ giúp thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực tài chính luôn chiếm khoảng 40% - 50% tổng đầu tư mới hàng năm của tổ chức này. Kết thúc năm tài khóa 2010, tổng đầu tư của IFC vào các thị trường tài chính toàn cầu đạt hơn 18 tỷ USD.

Với điểm đến là các ngân hàng thương mại, IFC giải thích rằng đó là kênh có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của khu vực tư nhân - các đối tác mà IFC có thể hỗ trợ mở rộng danh mục cho vay, nâng cao khả năng an toàn vốn, tăng cường năng lực quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro.

Với Việt Nam, bắt đầu có mặt từ năm 1996, định hướng mà thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới đặt ra là tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh nhằm giúp tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Xu hướng gia tăng đầu tư của IFC tại Việt Nam cũng thể hiện trong những năm gần đây; từ 110 triệu USD năm tài chính 2008 lên khoảng 300 triệu USD năm tài chính 2009, và 369 triệu USD trong năm tài chính 2010. Sự gia tăng này được nhấn mạnh là “thể hiện rất rõ mức độ cam kết của IFC đối với Việt Nam cũng như lòng tin vào tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới”.

Với ABBank, trước mắt là khoảng thời gian 2 năm của trái phiếu đến thời điểm chuyển đổi. Nối tiếp là sự song hành với tư cách là cổ đông chiến lược, tham gia tư vấn, quản trị điều hành. Ở định hướng cụ thể, đối tác này nhấn mạnh ở hướng tăng cường hỗ trợ và hợp tác với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam qua cầu nối ABBank; trong năm 2009 là chương trình hợp tác tài trợ với tổng hạn mức 50 triệu USD và dự kiến thêm 25 triệu USD trong quý 1/2011.

Kỳ vọng của ABBank

Với khoản đầu tư của IFC, ABBank thu về 480 tỷ đồng; cùng với khoản phát hành cho Maybank, nguồn để tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu theo lộ trình đến năm 2013 đã có đủ.

Bên cạnh đó, IFC còn đầu tư thêm 312 tỷ đồng mua trái phiếu dài hạn của ABBank, cũng như dự tính sẽ thông qua khoản tài trợ 25 triệu USD dự kiến trong quý 1/2011.

Về kế hoạch tài chính trên, ông Vũ Văn Tiền nói rằng: “Đó là một điểm sáng, một thành quả lớn của ABBank cuối năm 2010 đầu năm 2011, khi chúng tôi huy động thành công trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn vốn, ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn còn hạn chế các dòng đầu tư mới”.

“Lớn hơn, kỳ vọng mà chúng tôi hướng đến là một sự song hành có chiều sâu với đối tác. Đó là tiếp tục nhận được hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển đến 2020; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro; tư vấn đổi mới công nghệ; đào tạo nhân lực; phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát tính tuân thủ chặt chẽ hơn. Sự song hành đó là cần thiết, khi mà phía trước áp lực cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng ngày một lớn hơn”, Chủ tịch ABBank nói thêm.