IMF: Phục hồi sau dịch, Việt Nam vẫn cần các biện pháp kích thích kinh tế
Năm 2021, Việt Nam để đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% vẫn cần các biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ, dù ít hơn năm 2020
Trong báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố, bà Era Dabla Norris, Trưởng đoàn Điều IV thuộc Vụ châu Á - Thái Bình Dương nhận định năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 6,5% nhờ vào yếu tố nội tại khá tốt cùng các biện pháp quyết liệt về cải cách và sự hỗ trợ của Chính phủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
VẪN CẦN HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ ĐỂ GDP TĂNG 6,5%
Báo cáo khuyến nghị ngoài việc hỗ trợ kinh tế phục hồi, Việt Nam cần cải cách để tăng năng suất và giảm thiểu tính nhị nguyên của kinh tế (giảm sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị).
Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang nền kinh tế hiện đại dựa trên cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và việc nhấn mạnh "không để ai bị bỏ lại phía sau" đã gia tăng mức sống của người dân.
Theo bà Era Dabla Norris, thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề trong quý II năm 2020, đặc biệt là khu vực phi chính thức (lao động ngoài nhà nước) với khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội hạn chế. Do đó, các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm, phân bổ lại các nguồn lực, cải thiện kỹ năng lao động… Việc điều chỉnh tài khóa cần tập trung vào huy động nguồn thu để giúp tạo không gian cho chi tiêu cơ sở hạ tầng và xã hội, ưu tiên tăng trưởng xanh, cũng như các biện pháp tài khóa nên hướng tới bảo vệ người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương…
ỔN ĐỊNH TÀI CHÍNH ĐỂ HỒI PHỤC BỀN VỮNG
Dù đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường khả năng phục hồi đối ngoại, cũng như hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn trước đây, mặc dù vẫn còn những yếu kém. Cùng với báo cáo của bà Era Dabla Norris, các chuyên gia kinh tế của IMF cũng nhấn mạnh vấn đề sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng với bảng cân đối kế toán tương đối yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi dịch Covid-19 xảy ra, khả năng thanh toán và thanh khoản của doanh nghiệp càng yếu hơn, gia tăng mối lo ngại về sự ổn định tài chính thể thiện ở các chỉ số rủi ro của ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế IMF cũng lưu ý đến các lỗ hổng cơ bản của khu vực ngân hàng, các rủi ro tài chính cần được giám sát chặt chẽ và các khoản vay có vấn đề phải được giải quyết kịp thời. Về trung hạn, cần tăng cường tái cơ cấu nợ tư nhân và tăng cường vốn cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh áp dụng các yêu cầu của Basel II.
Với dự trữ ngoại hối được cải thiện, chuyên gia IMF cho rằng nên cho phép tỷ giá hối đoái hai chiều linh hoạt hơn và hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, điều này sẽ giúp nền kinh tế thích nghi với sự thay đổi của môi trường bên ngoài.
Để cải thiện nợ tư nhân, biện pháp gốc rễ theo bà Era Dabla Norris, Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới giảm gánh nặng pháp lý cho họ, giúp các doanh nghiệp tăng cường quản trị, tiếp cận công nghệ và đổi mới, giảm sự yếu kém về kỹ năng lao động….