10:15 24/03/2008

IPO Habeco lại đi theo “vết mòn”

Hoàng Xuân

Cổ phần hóa và IPO của Habeco vẫn sẽ đi theo cách làm cũ của các doanh nghiệp đi trước như Vietcombank, Bảo Việt

Thương hiệu Bia Hà Nội trên một cung đường Quốc lộ.
Thương hiệu Bia Hà Nội trên một cung đường Quốc lộ.
Trong khi chờ các giải pháp cụ thể và mang tính đột phá liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có hiệu lực, việc cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vẫn sẽ theo cách mà các doanh nghiệp đi trước đã thực hiện.

Cộng với điều kiện thị trường không mấy thuận lợi như hiện nay, Habeco sẽ tiếp tục đi theo “vết mòn” như Vietcombank, Bảo Việt và Sabeco. Liệu đây có phải là trường hợp cuối cùng thực hiện theo phương thức cũ?

Trong số những giải pháp được xem là rất cụ thể và mang tính đột phá của Bộ Tài chính để điều hòa cung cầu trên thị trường chứng khoán, giải pháp được xem là có tác động trực tiếp đến sự thành công của việc IPO các doanh nghiệp lớn là xem xét cho phép bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo phương thức thỏa thuận (không qua đấu giá) trên cơ sở định giá sổ sách (book building price).

Đối với nhà đầu tư thông thường sẽ thực hiện phương thức đấu giá chọn mua tại các mức giá cắt cuối cùng thay cho phương thức đấu giá hiện nay. Trong thời gian trước mắt, khi chưa sửa Nghị định 109 về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ sẽ cho phép các doanh nghiệp cổ phần hóa bán cổ phần cho đối tác chiến lược theo phương thức thỏa thuận, đồng thời sử dụng tốt tư vấn kiểm toán.

Theo kế hoạch, lượng cổ phần Habeco được đưa ra bán đấu giá công khai vào ngày 27/3/2008 là 34,77 triệu cổ phiếu và giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phiếu. Dù khối lượng này khiêm tốn nhất trong số 3 doanh nghiệp lớn là Vietcombank (97,5 triệu cổ phiếu), Bảo Việt (59,44 triệu cổ phiếu) và Sabeco (128 triệu cổ phiếu) nhưng trong bối cảnh thị trường đang khó khăn như hiện nay thì một lượng cung của Habeco cũng được xem là quá sức.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng giám đốc Habeco, cho biết kế hoạch cổ phần hóa Habeco đã được đề ra từ trước và mục đích của đợt IPO là để thực hiện bước đầu tiên trong việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần theo đúng kế hoạch.

“Việc Habeco tiến hành IPO vào thời điểm này là đúng theo kế hoạch đã đăng ký với Chính phủ. Vì vậy, mặc dù thị trường chứng khoán đang có những bất lợi nhất định nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào chính mình cũng như tin vào các nhà đầu tư. Chắc chắn họ hiểu rất rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thương hiệu mà Habeco đã tạo được. Do đó, đến thời điểm này đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cam kết sẽ mua cổ phần của Habeco với số lượng lớn trong đợt IPO này”, ông Việt tỏ ra khá tự tin với đợt phát hành.

Trong trường hợp xấu, tức là đợt IPO không bán hết cổ phần, Habeco đã có phương án dự trù là ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hãng bia Carlsberg (Đan Mạch).

Khác với cách lựa chọn đối tác chiến lược song song với quá trình cổ phần hóa của Vietcombank và Bảo Việt, lần này Habeco lựa chọn đối tác chiến lược từ rất sớm, trước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, cách thức vẫn theo quy định của Nghị định 109 về chuyển các doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần và có nghĩa là giá bán cho nhà đầu tư chiến lược vẫn gắn chặt với giá đấu bình quân thực tế khi tiến hành IPO.

Chỉ có điều khác là với tư cách là cổ đông chiến lược, Carlsberg cam kết sẽ mua lại tất cả số cổ phần “ế” (nếu có) với mức giá đúng bằng mức giá khởi điểm, 50.000 đồng, ngoài 10% như đã thỏa thuận. Theo Habeco, doanh nghiệp không đặt mục tiêu bán giá cao mà cần ở đối tác chiến lược những mặt mà mình còn thiếu. Carlsberg là nhà đầu tư có thể bổ sung cho Habeco những mặt mà Habeco đang rất thiếu như đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, trong lúc thị trường chứng khoán đang suy giảm và giá của hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều rẻ tương ứng P/E 15-16 lần, thì mức giá khởi điểm 50.000 đồng của Habeco tương đương P/E=25 lần (nếu tính đầy đủ báo cáo hợp nhất thì EPS của Habeco khoảng 2.000) rất khó hấp dẫn nhà đầu tư ngắn hạn.

Trong vòng 1-2 năm tới, Habeco vẫn trong giai đoạn đầu tư phát triển nên EPS sẽ bị pha loãng, do vậy việc nắm giữ cổ phiếu Habeco khó mang lại lợi nhuận mong muốn trong ngắn hạn.

Kết quả khảo sát của Habeco khi làm việc với những đối tác trong nước như nhà tiêu thụ, đại lý phân phối gần đây cho thấy, khối nhà đầu tư này sẽ đăng ký mua khoảng 20% lượng bán ra. Điều này có thể đem lại chút hy vọng về một sức cầu đối với cổ phiếu Habeco sẽ được cải thiện, và IPO sẽ thành công.

Tuy nhiên, với xu thế một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân không tham gia đấu giá mà sẽ chờ mua lại sau khi đã có kết quả IPO, do rút kinh nghiệm từ hai đợt IPO của Vietcombank và Sabeco vừa rồi, các công ty chứng khoán cũng tỏ ra e ngại về sự sôi động của đợt IPO Habeco sắp tới.

Mức giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu được đại diện lãnh đạo Habeco giải thích rằng đó là mức giá được tính theo phương pháp chỉ số trên giá trị sổ sách đến đầu năm 2008 là 59.187 đồng/cổ phiếu; tính trên chiết khấu từ cổ tức là 69.274 đồng/cổ phiếu; tính theo chỉ số P/E so với các công ty cùng ngành ở Việt Nam là 63.172 đồng/cổ phiếu và con số này nếu so với một số nước tiên tiến là 39.729 đồng/cổ phiếu.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã đưa ra con số bình quân là 57.988 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Ban chỉ đạo đã thống nhất mức khởi điểm cho mỗi cổ phiếu của Habeco là 50.000 đồng. Đánh giá về tiềm năng cũng như ưu thế của Habeco, nhiều chuyên gia cho rằng chính bí quyết lựa chọn nguồn nước và bí quyết công nghệ qua nhiều thế hệ đã làm nên Habeco trong Top 100 thương hiệu mạnh.