Khi Yên Nhật trở thành “nạn nhân” của sự trái chiều chính sách tiền tệ
“Tỷ giá giữa Yên và USD đang là một giao dịch mà ở đó Fed đang ra sức thắt chặt còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn chưa có động tĩnh gì. Có khả năng đồng Yên sẽ còn tiếp tục mất giá”...
Tỷ giá đồng Yên của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 24 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/6), trong bối cảnh chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với lập trường cứng rắn và quyết tâm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Từ đầu năm đến nay, Yên đã giảm giá 18% so với đồng USD. Phiên ngày thứ Ba, tỷ giá Yên so với đồng bạc xanh có lúc giảm còn 136,71 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1998.
NHẬT SIÊU NỚI LỎNG, MỸ RA SỨC THẮT CHẶT
“Tỷ giá giữa Yên và USD đang là một giao dịch mà ở đó Fed đang ra sức thắt chặt còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn chưa có động tĩnh gì. Có khả năng đồng Yên sẽ còn tiếp tục mất giá”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét với hãng tin Reuters.
Đà giảm giá của đồng Yên được đẩy nhanh sau khi BoJ vào hôm thứ Sáu đưa ra tuyên bố dập tắt kỳ vọng về một sự thay đổi chính sách sớm. Thay vào đó, BoJ giữ vững quyết tâm “đơn thương độc mã” trong số các ngân hàng trung ương lớn, tiếp tục cam kết giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Với lập trường này, BoJ đẩy mạnh chương trình mua vào trái phiếu nhằm giữ cho lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm giữ trong khoảng mục tiêu 0-0,25%. Mặc cho nỗ lực này của BoJ, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm vẫn ở cận trên của khoảng mục tiêu này.
Trước đó trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida “bật đèn xanh” cho việc bán đồng Yên khi nói rằng BoJ nên duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuyên bố này của ông Kishida bác bỏ những lời kêu gọi Chính phủ Nhật cần điều chỉnh chính sách để xử lý vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng.
Trong số các đồng tiền chủ chốt, đồng Yên Nhật là đồng mất giá mạnh nhất so với USD trong năm nay, khi chính sách tiền tệ mềm mỏng của BoJ ngược chiều với sự cứng rắn nói chung của các nhà nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Ngoài ra, đồng Yên còn mất giá khi giá năng lượng tăng cao gây áp lực lên tài khoản vãng lai của Nhật Bản - một quốc gia nhập khẩu nhiều năng lượng – và khoảng cách lợi suất ngày càng lớn giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 3,5%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, sức ép mất giá đối với Yên còn đến từ chênh lệch tăng trưởng kinh tế Mỹ-Nhật. Nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ đang tăng trưởng mạnh hơn so với các nền kinh tế chủ chốt khác, trong khi Nhật Bản tiếp tục chậm chạp trong việc đưa nền kinh tế phục hồi về mức trước đại dịch.
Ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Giới đầu tư đang chờ xem liệu ông Powell có phát tín hiệu nào về việc tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Trong một phát biểu mang tính cứng rắn, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, ngày 21/6 nói rằng việc nâng lãi suất 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tới là “hợp lý”.
LIỆU CHÍNH PHỦ NHẬT CÓ CAN THIỆP?
Tuần trước, cả Fed, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SBN) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng nâng lãi suất. Chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói rằng ECB sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, nhưng mức tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 vẫn đang được cân nhắc - một dấu hiệu cho thấy ECB có thể đưa ra mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Trái lại, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói rằng còn quá sớm để giảm bớt chính sách tiền tệ nới lỏng hay nâng lãi suất ở Nhật Bản, quốc gia với mức lạm phát vẫn còn thấp. Tháng 4 năm nay, lạm phát ở Nhật là 2,1%, chỉ cao hơn một chút so với mức mục tiêu 2% của BoJ. Ông Kuroda khẳng định rằng lạm phát sẽ không tăng bền vững, nhất là khi không có sự tăng mạnh về tiền lương. Cần phải nói thêm rằng Nhật Bản từ lâu đã chật vật xoay sở với giảm phát – vòng xoáy đi xuống của giá cả, có khả năng “đánh sập” nền kinh tế. Khác với ở Nhật Bản, lạm phát ở Mỹ trong tháng 5 là 8,6%, cao nhất hơn 40 năm.
Trong cuộc họp hôm thứ Sáu tuần trước, BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức âm 0,1%. Hôm thứ Tư tuần trước, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, lên mức 1,5-1,75%.
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi với đồng Yên mất giá nhanh như vậy, liệu Chính phủ Nhật Bản có thể hành động để can thiệp hay không?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki thậm chí còn tránh đề cập đến khả năng can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ. Nếu Chính phủ Nhật can thiệp để hỗ trợ tỷ giá đồng Yên, đó sẽ là lần đầu tiên nước này có động thái như vậy kể từ năm 1998 – khi Nhật và Mỹ phối hợp gom mua đồng Yên trên diện rộng. Lần này, nếu Nhật Bản đơn phương hành động, Mỹ có thể phản đối.
Dù vậy, vào hôm 10/6, giới chức Nhật Bản có một động thái hiếm hoi là đưa ra một tuyên bố văn bản bày tỏ mối lo về sự suy yếu của đồng Yên, nói rằng họ sẽ hành động nếu cần, nhưng không nói cụ thể sẽ làm gì.
Trong thập kỷ trước, khi Thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách làm đồng Yên suy yếu, giới doanh nghiệp nước này đã phản ứng tích cực. Đồng Yên rẻ giúp các nhà xuất khẩu của Nhật Bản như Toyota tăng lợi nhuận chuyển từ nước ngoài về nước và cạnh tranh tốt hơn ở thị trường nước ngoài. Đồng Yên giảm giá cũng giúp Nhật Bản thu hút thêm nhiều du khách quốc tế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi giá năng lượng và nhiều hàng hoá cơ bản khác tăng cao trên toàn cầu, đồng Yên yếu khiến chi phí nhập khẩu của Nhật Bản càng tăng cao hơn. Tình trạng này không chỉ đặt ra sức ép giảm lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật mà còn khiến người tiêu dùng nước này “đau ví”. Trong lúc BoJ chưa tính đến việc thắt chặt, Thủ tướng Kishida đã phải triển khai nhiều biện pháp để giảm bớt tác động tiêu cực của đồng Yên mất giá, bao gồm trợ cấp giá xăng dầu.