07:52 31/12/2024

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng

Phan Nam

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Riêng trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục ngàn tỷ đồng, đồng thời, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp tại hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 30/12, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại hội nghị cho thấy năm 2024, toàn ngành cơ bản đã hoàn thành khối lượng lớn kế hoạch công tác với nhiều kết quả nổi bật.

Kế hoạch kiểm toán tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội...

KIẾN NGHỊ TĂNG THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 2.637 TỶ ĐỒNG

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán đã phát hành tính đến 15/12/2024, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 2.637 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 tính đến 15/12/2024, số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 40.975/49.940,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82%. Có 58/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Có 58/107 báo cáo kiểm toán kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được đơn vị thực hiện.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 02 hồ sơ, gồm: 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước, 01 vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra, làm rõ.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng - Ảnh 1

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phối hợp cung cấp nhiều tài liệu, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để làm rõ theo thẩm quyền. Trong đó, đã cung cấp 308 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...; cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

2025: NHIỆM VỤ ĐẶT RA CHO KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NHIỀU VÀ ĐẦY THÁCH THỨC

Về kế hoạch năm 2025, Kiểm toán Nhà nước đã đề ra 10 nhiệm vụ cùng các giải pháp trọng tâm. Trong đó có các nhiệm vụ: Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch kiể toán năm 2025 chất lượng, hiệu quả; Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng, nhất là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; Tiếp tục thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra; Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á và Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan kiểm toán chiến lược...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận kết quả công tác năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội trong lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định năm 2025, nhiệm vụ đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước nhiều và đầy thách thức. Trước tình hình đất nước đang có nhiều thay đổi, đột phá, mang tính cách mạng trên nhiều lĩnh vực như đổi mới về công tác xây dựng pháp luật; cách mạng về tinh gọn bộ máy; đổi mới về phân cấp, phân quyền trong quyết định phân bổ và sử dụng các nguồn lực của đất nước; đẩy mạnh phòng chống, xử lý sai phạm gây lãng phí; đột phá về huy động nguồn lực, chính sách tài khóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội…, Kiểm toán Nhà nước cần có sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu phát triển này. Trong đó, cần tập trung kiểm toán tính đúng đắn phù hợp, đầy đủ, kịp thời của việc ban hành các văn bản hướng dẫn các luật; việc tổ chức thực hiện pháp luật đặc biệt là các nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền trong phân bổ, sử dụng nguồn lực và thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; việc thực hiện phòng chống lãng phí; việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.

“Kiểm toán Nhà nước cũng cần tăng cường kiểm toán đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; tập trung kiểm toán để đánh giá đúng thực trạng bội chi, nợ công, rủi ro về cân đối ngân sách và kiến nghị các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, ngân sách quốc gia; cung cấp kịp thời các thông tin phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cam kết Kiểm toán Nhà nước sẽ khẩn trương cụ thể hoá vào chương trình công tác năm 2025 và các năm tiếp theo, đảm bảo các chỉ đạo được triển khai tốt nhất.

Đồng thời, ông Tuấn cũng đề nghị toàn ngành thực hiện thắng lợi 10 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp đã đề ra. “Công tác kiểm toán phải chú ý phương châm “An toàn - Uy tín”, muốn có an toàn, uy tín thì phải có chất lượng. Phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; tập trung đánh giá xem có thất thoát, lãng phí ở đâu, dư luận - nhân dân - cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải chú trọng tập trung vào đó để kiểm toán, xác nhận”, ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.